NHẤT TÂM NIỆM PHẬT - CẦU SANH TỊNH ĐỘ


Join the forum, it's quick and easy

NHẤT TÂM NIỆM PHẬT - CẦU SANH TỊNH ĐỘ
NHẤT TÂM NIỆM PHẬT - CẦU SANH TỊNH ĐỘ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Đăng Nhập

Quên mật khẩu

Latest topics
» PHÓNG SANH - 2013
by Quảng Chánh Fri 20 Dec 2013, 4:38 pm

» HÌNH ẢNH LỄ VÍA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ 17/11 QUÝ TỴ
by Quảng Chánh Fri 20 Dec 2013, 4:36 pm

» Thông Báo: LỄ VÍA PHẬT A DI ĐÀ 17/11 QUÝ TỴ
by Quảng Nghiêm Tue 10 Dec 2013, 12:02 pm

» Chuyến Hành Hương Đà Lạt Của Các Huynh Muội!
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:31 pm

» CHÙA QUÁN ÂM TỊNH THẤT - ĐỨC TRỌNG - LÂM ĐỒNG
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:17 pm

» VĨNH MINH TỰ VIỆN - ĐẠI NINH
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:13 pm

» CHÙA PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ - ĐẠI NINH
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:07 pm

» CHÙA DƯỢC SƯ - ĐẠI NINH
by Quảng Nghiêm Tue 03 Dec 2013, 4:21 pm

» Hình Ảnh Phóng Sanh Thứ Năm 21/11/2013
by Quảng Nghiêm Thu 21 Nov 2013, 2:17 pm

ĐẠI LỄ PHÓNG SANH CHÙA TỪ ÂN 2013
CHUA TU AN.gif
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Images?q=tbn:ANd9GcRlMejTGgNz5wM3qlaZDrddg9nSkmwZOPNo7da1-ROruqVGf_Uunw
“Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc, trong thế giới đó có Đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói pháp”.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Images?q=tbn:ANd9GcSC-TGWiq75j0XxMcwvEuWsupTz51ROY8H3KC2gVO8PrgEl7kis
Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp.
Nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh phát Bồ đề tâm, tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 20: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi; và tu các công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Images?q=tbn:ANd9GcT_Cwwvbt-KXrgxf2JVdbPARkRNNKUP4UnXvofNx14x0rBsPzis
Nầy Vi-Đề-Hy, bất cứ chúng sanh nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, dẫu chỉ một ngày cho tới bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì cảm ứng những năng lực tổng trì không thể nghĩ bàn.
NAM MÔ ĐẠI LỰC ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Phoca_thumb_l_07
Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ, như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.
NAM MÔ ĐẠI HẠNH PHỔ HIỀN BỒ TÁT
CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Images?q=tbn:ANd9GcQrZzV4LYT1XvW4d6tDrJGwWBz0xQx7kD-bmMv9euFy2pMsmu_4
Danh hiệu Phật chính là ba đời mười phương chư Phật, vì A-Di-Đà tức là Pháp-giới Tạng-thân, có lực dụng thu nhiếp và hiện Pháp thân của ba đời mười phương chư Phật.
NAM MÔ ĐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT
CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Images?q=tbn:ANd9GcQmVlwzrsEvtHL5UZf5-xLsQ7VvFMcCAySNw66pZ2sTMa7h1Qo6_A
Về phương Tây của thế giới này, có Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc. Đức Thế Tôn đó nguyện lực không thể nghĩ bàn! Ngươi nên chuyên niệm danh hiệu của ngài nối tiếp không gián đoạn, thì khi mạng chung, quyết được vãng sanh, chẳng còn bị thối chuyển.

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH!

Go down

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Empty CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH!

Bài gửi by Quảng Nghiêm Sun 25 Sep 2011, 5:10 pm


CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! A%252520D%252520Da%252520resized
"6 Chữ Nam Mô A Di Đà Phật Làm Thay Đổi Đời Tôi”


Giác Ngộ - Tôi gặp anh tại một ngôi chùa với bộ áo "lam hiền". Mở đầu câu chuyện, anh đều niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà. Một gương mặt sáng với vết sẹo lớn giữa chân mày, anh ví mình như con thuyền nhỏ giữa dòng thác loạn, điên cuồng, xô đẩy.

Và, con thuyền nhỏ đó cứ bị trôi đi trong sự va đập, đảo điên không có bến dừng. Anh tâm sự, sự điên đảo đó là kết quả của một gia đình bị rạn vỡ, không tình thương yêu. Sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, anh đã lao vào thế giới giang hồ, trôi giạt giữa chợ đời tối tăm và không lối thoát. Và, nhờ thiện duyên, anh đã gặp Phật. Sáu chữ: Nam mô A Di Đà Phật nhiệm mầu đã làm thay đổi cuộc đời anh. Anh là Lê Thừa Dương Hùng...

Tuổi thơ lưu lạc

Ngồi bên hiên chùa, đôi mắt nhìn xuống, giọng âm hưởng Quảng Trị ấm, ký ức một thời được tái hiện, như thể những thước phim về một số phận…

"Những trận đòn, những xung đột với cha dượng trong ngôi nhà của mẹ làm đứa trẻ lên 7 như tôi cảm thấy bị hất hủi, đuổi xua. Trong tâm hồn đứa trẻ con lên bảy như tôi chứa đầy mặc cảm, tôi luôn tự hỏi tại sao những đứa trẻ như tôi lại có đủ ba mẹ, có một gia đình hạnh phúc, chúng được hồn nhiên vui vẻ, được cha mẹ chăm sóc và được đến trường vui đùa cùng chúng bạn... Tôi lại một mình và cảm thấy không thể sống nổi nơi mà mình tưởng như là mái ấm. Mái ấm ở làng quê nhỏ của xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không đủ tình thương yêu để níu kéo tôi ở lại. Tôi đã bỏ nhà, đi lang thang đầu đường xó chợ. Đêm đến tôi ngủ vật vờ ở bãi biển quê. Ngày ngày nối tiếp đêm đêm, bước chân tôi thúc giục phải đi và cho đến khi tôi dừng lại ở TP.Huế. Tôi bắt đầu chuỗi ngày lang thang ở chợ đời. Đứa trẻ quê miền biển nhỏ thó như tôi chứa đầy mặc cảm, bắt đầu vật lộn với cuộc mưu sinh đói khát ở chợ Đông Ba.

Ở chợ Đông Ba, hàng ngày tôi làm phụ hàng cho những chủ hàng, đêm ngủ vật vờ ở các sạp. Tôi là đứa trẻ bị khinh miệt, đói khát và cảm thấy vô cùng cô đơn. Nhiều khi vô tình bắt gặp những gia đình sum vầy bên mâm cơm hay những đứa trẻ đồng lứa bên cha mẹ hạnh phúc, tôi càng thấy mình lạc lõng, tủi phận và nổi giận. Dù vất vả, đơn độc nơi xứ lạ quê người nhưng trong tôi có một thứ tình cảm luôn thúc giục và luôn "thức" trong tâm trí mình. Đó là nỗi nhớ mẹ. Nó là thứ gì đó mà đứa trẻ như tôi luôn cảm thấy phải hướng đến, nỗi nhớ ấy ngày càng day dứt và nó lớn hơn bất cứ cái gì, lúc này.

Ròng rã hai năm bằng những chuỗi ngày đơn độc ở chợ đời Đông Ba với nỗi nhớ mẹ không nguôi ngoai trong tâm trí và tôi quyết định kiếm đường quay về tìm mẹ.

Nhưng, bao nhiêu vụn vỡ trong lòng lại một lần nữa lan ra đau đớn, tôi không tìm được hơi ấm và tình thương của mẹ. Bởi lẽ, mẹ còn có chồng và các em, phải lo toan cuộc sống nghèo nàn. Tôi không được đi học, tiếp tục lêu lổng trong buồn tủi. Không chịu thêm được, một lần nữa, tôi quyết định ra đi".

Nhìn những chiếc lá rơi nhẹ trước hiên chùa, giọng anh vẫn trầm buồn:
"Tôi trở lại chợ Đông Ba, bấy giờ tôi cũng đã lớn hơn. Tôi kết bạn với những đứa trẻ lang thang khác. Ban ngày chúng tôi làm bốc vác, làm thuê làm mướn, bán trà đá, đánh nhau, ăn cắp vặt ở bến xe Gia Hội, ban đêm rủ nhau xuống dưới gầm cầu Trường Tiền để ngủ. Những ngày bôn ba bán sức khỏe để kiếm chút tiền mọn cho cuộc sống ở chợ, bến xe, dần dần tôi trở thành đứa trẻ rắn rỏi, lạnh lùng, dày dạn kinh nghiệm sống giang hồ. Tuy vậy, nỗi nhớ mẹ lúc nào cũng luôn đầy ắp, nỗi nhớ ấy lớn khôn cùng. Mười ba tuổi, một lần nữa tôi quyết định quay về quê tìm mẹ…".

Bước ra giang hồ

Anh xòe hai bàn tay ra và đan chúng lại với nhau, đôi mắt anh nhìn xuống nó và quá khứ lại thoảng hiện trên gương mặt:

"Cuộc sống ở mái nhà của mẹ tôi không thể xoay chuyển được, tôi tiếp tục cuộc sống buồn chán, lêu lổng và quậy phá. Tôi trở thành người bất trị. Chính nơi quê mình, tôi gặp đại ca Lê Lam, người cùng xóm vừa mới đi Nhật trở về và bắt đầu một cuộc sống giang hồ thật sự. Tôi được đại ca Lê Lam "chấm" bởi người nhỏ mà có máu lạnh, vài trận đâm chém với giang hồ cũng đủ điểm cho đại ca cho gia nhập hội.

Những lần đối đầu với các nhóm giang hồ quanh vùng đã cho tôi thêm "số má", và là người khá thông minh, lanh lợi, có máu lạnh, hung hãn bất chấp người đó là ai, cỡ nào. Tôi cũng là người dễ nổi giận với bản thân, tôi được đại ca Lê Lam để ý và tạo điều kiện để có dịp "xung trận". Trong một dịp một mình đụng độ với hai anh bộ đội, tôi chụp kéo và đâm mấy phát vào bụng, ngực. Tôi bị bắt đi cải tạo 9 tháng. Tôi nhớ lúc đó vừa bước vào tuổi 15. Đó là bước ngoặt mở đầu cho chuỗi ngày tù tội…".

Trong câu chuyện về số phận của mình, thỉnh thoảng có những quãng ngừng… anh đang tìm lại một ký ức tưởng chừng đã qua nhưng thật ra nó như là nỗi ám ảnh không thể chối bỏ:

"Ra trại, trong một lần đại ca cử đi dò la tin tức, tôi đi ngang quán nước cách quê 7km và bị một nhóm 6 người phát hiện "Nó đây rồi, đánh chết mẹ nó đi, thà giết lầm chứ không bỏ sót". Một mình thân cô, thế cô, tôi lùi lại phía sau quán và nhanh mắt nhận ra một người đang cầm dao xắt thịt, tôi chụp lấy và chém đứt lìa một cánh tay của một thằng trong nhóm, chưa hả giận tôi sấn tới xẻo tiếp một lỗ tai mang về cho đại ca làm chiến tích.

Vụ này giúp tôi dày thêm những ngày tù tội, tôi bị bắt với 2,5 năm tù giam, ở trại giam được 9 tháng tôi vượt trại và trốn vào Sài Gòn. Vào đây tôi thay tên đổi họ, mới trải qua hai ngày trên đất mới tôi nghe có băng Tâm Voi, một băng rất lớn hoạt động bảo kê, đòi nợ mướn tại Sài Gòn, Bình Dương, Hà Tây và đang chốt tại An Sương nên tìm đến xin gia nhập. Tham gia hội này hai năm thì theo lệnh truy nã, công an Huế vào Sài Gòn bắt, tôi bị kết án thêm 2,5 năm tù.

" Một điều lạ lùng là tôi rất thích nhìn ngắm gương mặt và hình tướng của Đức Quán Thế Âm, tôi xem Ngài là chỗ nương tựa vĩnh cửu, trong thâm tâm tôi nghĩ Ngài là Mẹ của tôi, của mọi chúng sinh. Hàng ngày, mỗi khi chiêm ngưỡng tôn tượng Ngài, tôi nguyện: "Đôi tay của con đã từng vấy máu, tạo bao tội lỗi, hôm nay con gặp được Mẹ và cũng đôi tay này con nguyện làm cái gì đó tốt đẹp hơn".

Được ra tù, ngựa quen đường cũ và bản tính độc ác, tôi nghe nói đại ca Lê Lam đã vào Sài Gòn sinh sống, đang làm nghề xe ôm. Tôi quay lại Bình Dương và tiếp tục tham gia vào đường dây bảo kê, đòi nợ mướn ở Dĩ An. Thời gian này, Tâm Voi "tử nạn", tôi lên làm đại ca, thỏa sức sống bằng đồng tiền dơ bẩn, ăn chơi trác táng và hút chích. Một lần đi đòi nợ 12 triệu đồng ở Bình Phước, con nợ là một phụ nữ đang mang bầu không có tiền trả, tôi liền xiết chiếc xe máy. Người phụ nữ ôm chân tôi lại van xin đừng lấy xe vì nó là phương tiện duy nhất nuôi sống gia đình, nhưng tôi co chân đạp thẳng vào bụng chị, sau đó biết chị đã bị sẩy thai... đó là nỗi dằn vặt trong tôi suốt những năm sau này, khiến tôi sám hối cho đến tận bây giờ".Một lần nghe Nam mô A Di Đà Phật
Một thoáng niềm vui chợt hiện ra trên gương mặt, chất giọng Quảng Trị vẫn nhẹ và đều:

"Sau sự vụ trên, tôi về thăm em gái ở Hóc Môn và được em gái cho biết đại ca Lê Lam đã "đi tu". Tôi nghe với tâm thế hết sức ngờ vực. Em gái cũng khuyên: "Anh nên quay đầu, đến anh Lê Lam mà còn đi tu, anh làm vậy suốt đời cũng không được gì. Anh bỏ đi, làm vậy hoài mẹ khổ, nếu anh không tin thì gặp anh Lê Lam đi". Lúc bấy giờ tôi là một gã giang hồ nghiện ngập và độc ác, trong tôi đầy ắp sự ngờ vực. Tôi ngờ vực một đại ca lừng lẫy oai hùng, từng hoạt động giang hồ ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản và các cứ khắp nơi trong nước như Lê Lam sao lại có ngày "đi tu".

Không tin đại ca Lê Lam đã "đi tu" nên tôi tìm đến nhà, gặp lại đại ca tôi rất mừng. Lê Lam bảo anh đã quy y Tam bảo với pháp danh Tịnh Long, sám hối tội lỗi trước kia mỗi ngày để được làm người lương thiện. Trong đầu tôi lờ mờ những chữ nghĩa xa lạ về Phật pháp, Đức Phật, nghiệp báo, xả bỏ… nhưng có điều gây ấn tượng cho tôi lúc bấy giờ là Lê Lam nói về đại ca Năm Cam lừng lẫy có bốn vợ, nắm trong tay hàng chục tỷ đồng nhưng cũng đã chịu nghiệp báo, phải đền tội. Còn anh sám hối vì đã gây ra biết bao đau khổ cho đàn em, mải mê với những trò chơi quái đản, không phân biệt chính tà, đã gây nghiệp ác cho nhiều người. "Em có theo con đường của anh thì em theo. Học lại bài học vỡ lòng này: lấy thiện trừ ác" - tôi còn nhớ lời của Tịnh Long nói chắc rõ từng chữ.

Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, không biết Phật pháp là gì mà làm cho đại ca khét tiếng như Lê Lam thay đổi đến như vậy. Tôi đã nghĩ ngợi rất mông lung…

Một hôm, đi ngoài đường và nhìn thấy một ngôi chùa, vì tò mò nên tôi đã ghé vô. Tôi còn nhớ, đó là chùa Đông Linh, ở Hóc Môn. Vừa bước vô chùa tôi nhìn thấy tượng Đức Bồ tát Quán Thế Âm và thoảng đâu đó một câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật". Tôi đã cảm nhận một sự an lành, thư thái trong lòng không giải thích được. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đến chùa… để chỉ nhìn ngắm Đức Quán Thế Âm. Tình cờ, tôi gặp một người bạn đang tu tập ở chùa Hoằng Pháp, được bạn rủ đi chùa nhiều hơn. Lúc này, đang là con nghiện nặng, nên lúc đến chùa tôi nguyện nếu Phật pháp nhiệm mầu thì gia hộ cho tôi từ bỏ ma túy, đừng hại người và làm người tốt".

Một lần nữa hai bàn tay anh nắm chặt vào nhau, đôi mắt hướng nhìn về phía tượng Bồ tát Quán Thế Âm đằng xa xa:

"Tôi hạ quyết tâm cai nghiện. Mua thùng mì gói, thùng nước uống và thuê một nhà trọ, nhờ khóa trái, một mình tôi trải qua 21 ngày vật vã đối diện giữa sự sống và cái chết, lúc nào tôi cũng niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ tát cho đến khi tôi thấy lòng mình tỉnh táo, cảm thấy mình đã dứt hẳn với ma túy.

Từ đó, ngày nào tôi cũng vô chùa, khi đứng trước Đức Bổn sư và Bồ tát Quán Thế Âm tôi luôn bộc bạch tâm sự trong lòng và cảm thấy có sự cảm ứng. Và, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng tôi chỉ nhờ vào 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật.

Một điều lạ lùng là tôi rất thích nhìn ngắm gương mặt và hình tướng của Đức Quán Thế Âm, tôi xem Ngài là chỗ nương tựa vĩnh cửu, trong thâm tâm tôi nghĩ Ngài là Mẹ của tôi, của mọi chúng sinh. Hàng ngày, mỗi khi chiêm ngưỡng Ngài, tôi nguyện: "Đôi tay của con đã từng vấy máu, tạo bao tội lỗi, hôm nay con gặp được Mẹ và cũng đôi tay này con nguyện làm cái gì đó tốt đẹp hơn". Không hiểu vì sao, trong đầu tôi luôn luôn khắc ghi gương mặt của Bồ tát, tôi cũng thường vẽ, khắc gương mặt Ngài lên mặt đất, lên giấy, lên gỗ…

Hiện nay, Phật tử Tịnh Tín đang cưu mang, dạy nghề cho 23 bạn trẻ tại cơ sở điêu khắc với tâm nguyện không để cho các em sa vào con đường tội lỗi như mình ngày xưa. Anh cho biết, cuộc đời mình tự hào nhất là thời gian qua đã giúp cho 50 em cơ nhỡ học nghề, 2 em có cơ sở riêng và đặc biệt có hai em xuất gia đầu Phật. Hiện tại, anh yên tâm vì thấy mẹ hạnh phúc. Thỉnh thoảng, anh cũng đến các đạo tràng để nói chuyện, chia sẻ về cuộc đời đã qua của mình như cách sám hối với mong muốn có được sự thông cảm và nhẹ lòng. - Ảnh: H.Diệu

Tôi tự mình đi thăm dò tại các xưởng gỗ, đứng nhìn họ thực hiện các thao tác khắc trên gỗ, vậy là tôi mua đồ nghề về tự học. Hàng tháng trời tôi chỉ đục khắc gương mặt Đức Quán Thế Âm dù đôi tay có tróc da chảy máu. Dịp may, một công ty Đài Loan tuyển thợ điêu khắc gỗ, vậy là tôi đi làm, ngày đi làm ban đêm tôi đi chùa Hoằng Pháp để niệm Phật.

Tay vuốt lại tà áo lam cho thẳng nếp, anh nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thoảng thôi nhưng trông anh rất hạnh phúc:

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Kegiang-ho-3
Phật tử Tịnh Tín

"Tháng 4-2005 với số tiền 47 triệu đồng dành dụm được, tôi đi thuê xưởng, mua gỗ và một chiếc xe máy để mở tiệm. Người quen thân cho là tôi điên rồ, với số tiền này tôi có thể mua nhà, mua đất sao lại mua một đống gỗ. Nhưng, tôi muốn thực hiện lời nguyện trước Đức Quán Thế Âm: đôi tay này có thể làm điều có ích.

Nhờ vào sự chăm chỉ và quyết tâm hướng thiện, tôi đã cất công đi tìm những em cơ nhỡ như mình ngày xưa để nuôi và dạy nghề tại cơ sở. Những pho tượng Bổn Sư, Quán Thế Âm của tôi được hình thành ngày càng đẹp và được các chùa đến đặt, tôi cũng làm thêm các loại hoa lam gỗ. Tin này bay xa tận quê nhà Quảng Trị nhưng không ai tin vì lẽ một thằng giang hồ chuyên đâm chém như tôi làm sao có thể là người làm ra những pho tượng Phật được. Tôi cũng đã gởi về cúng dường ở chùa quê tôi một pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm…

Điều tốt lành đã đến với tôi, năm 2006 tôi được TT.Thích Chân Tính quy y Tam bảo với pháp danh Tịnh Tín. Chùa Đông Linh cũng cho tôi đi tham gia khóa đào tạo huynh trưởng do THPG TP tổ chức và nhờ đó tôi bắt đầu có những ngày tháng gắn với gia đình áo lam. Cuộc đời tôi thật sự đã bước sang một trang mới.

Đôi lúc ngẫm lại, tôi tự cảm nhận mình như được tái sinh lần nữa, nhờ vào năng lượng nhiệm mầu của 6 chữ "Nam mô A Di Đà Phật", nhờ vào Đức Bồ tát Quán Thế Âm…"

H.Diệu (Ghi theo lời kể của Phật tử Tịnh Tín)


http://www.giacngo.vn/chude/viaducphatadida2010/2010/12/21/7AF010/



Được sửa bởi Quảng Nghiêm ngày Tue 01 Nov 2011, 9:52 am; sửa lần 8.
Quảng Nghiêm
Quảng Nghiêm
Admin

Leo
Dragon
Tổng số bài gửi : 1011
Join date : 19/05/2011
Age : 47
Đến từ : TPHCM

Về Đầu Trang Go down

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Empty Re: CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH!

Bài gửi by Quảng Nghiêm Sun 25 Sep 2011, 5:15 pm

Kỳ II: Gã đại ca buông đao xuất gia


Giác Ngộ - "Thuở còn trai trẻ, tôi sống cuộc đời của kẻ giang hồ chỉ biết chém giết, thanh toán, bảo kê. Nhưng cũng từ thuở còn trai trẻ, tôi đã "gặp Phật" bằng sự tôn kính vô biên dù chưa thấu hiểu về Ngài. Tôi đã chơi những trò chơi đẫm máu, và tôi đã lạy Ngài bằng tất cả tấm lòng tôn kính. Tôi đã từng nghĩ định mệnh của tôi nặng như một quả núi sẽ không bao giờ chuyển đổi được. Nhưng rồi, tất cả đã đổi thay nhờ vào "Ván cờ sinh tử" của thiền sư và gã giang hồ..." Sư Chơn Hữu.

"Sở dĩ trong xã hội ngày nay thường có những tệ nạn là vì thiếu yếu tố tình thương, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia chân thành với nhau. Tuổi trẻ hãy mở rộng lòng mình và sống yêu thương với thiên nhiên, con người thì xã hội sẽ tốt đẹp biết bao". Sư Chơn Hữu thế danh là Huỳnh Thiện Hữu, hiện trụ trì chùa Định Quang, thôn Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở đầu câu chuyện nhiều trăn trở của mình.


CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Chonhuu
Dốc lòng cho học sinh nghèo

Đại ca có duyên Phật


Huỳnh Thiện Hữu mất cha từ rất sớm, mẹ một mình ngày đêm tần tảo buôn bán, làm thuê làm mướn nơi đất khách quê người vẫn không sao đủ nuôi 5 mặt con. Do đó, Thiện Hữu không có tình thương và sự chăm sóc của gia đình, từ đó Thiện Hữu đã "vào đời" bằng những bước đi của một đứa trẻ ngông cuồng, cá biệt. Gia nhập nhóm "Ánh Sáng" với ý nghĩ, phải bước vào đời bằng tư cách của "đàn anh", Thiện Hữu đã vùng vẫy tạo cho mình một thanh thế trong đám bạn bè. Thiện Hữu đã không ngần ngại "ra tay" đánh phủ đầu để dằn mặt những kẻ "muốn lên mặt" dạy đời. Rồi tách hội "Ánh Sáng" ra lập hội riêng với 20 đệ tử, Thiện Hữu bước vào thế giới ngầm của xã hội đen ở bãi vàng với tư cách là một đại ca khét tiếng. Ngày qua tháng lại, Thiện Hữu chuyên làm nghề đâm thuê, chém mướn, bảo kê phòng trà, hộp đêm với sự lạnh lùng, nhẫn tâm và vô cảm.

Nhưng, Huỳnh Thiện Hữu không như các "đại ca" khác mà rất đặc biệt; cứ sau mỗi lần ăn chơi trác táng, đánh đập, chém giết mỗi lần nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca, Thiện Hữu đều sụp xuống lạy. Mặc dù trong đầu của "đại ca" chưa hề có một khái niệm gì về Phật, nhưng Thiện Hữu đã có sự thành kính và lễ Phật theo kiểu lạy của các nhà sư Nam tông. Thiện Hữu lạy Phật đến nỗi đám đàn em nhiều lần phải nhắc nhở "sao đại ca lạy Phật hoài vậy".

Một hôm, tình cờ đại ca Thiện Hữu bắt gặp và đọc say sưa cuốn truyện ngắn "Ván cờ sinh tử" của sư Giới Đức (bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh), lúc đó đang trụ trì chùa Huyền Không. Truyện kể về một gã giang hồ đánh cờ luận kiếm với một vị thiền sư. Và cuộc đời của một đại ca khét tiếng chỉ biết thanh toán, chém giết, bảo kê đã được chuyển dần từ một sự "ớn lạnh" của máu me. Và, Thiện Hữu nhớ lại câu chuyện "Ván cờ sinh tử" của sư Giới Đức liền quyết định "gác kiếm" tìm đường ra Huế sụp lạy Sư Giới Đức xin làm đệ tử, xuống tóc với tên đạo là Thích Chơn Hữu. Chơn Hữu đã rũ bỏ quá khứ, bắt đầu cuộc đời của người xuất gia hành đạo giải thoát tại chùa Huyền Không, Huế.

Gieo hạt mầm tình thương

Từ khi sư Chơn Hữu về nhận chùa Định Quang, sư đã dốc lòng cho hoạt động từ thiện như cứu trợ bà con nghèo khó trong vùng. Nhưng sau một thời gian tặng quà, sư Chơn Hữu đã có suy nghĩ, những món quà và những đồng tiền cứu trợ chỉ để cho bà con sử dụng trong vài ngày rồi cũng hết. Với những trải nghiệm của bản thân và cái nhìn sâu sắc, sư đã biết ươm mầm ước mơ cho các em học sinh nghèo. Sư nghĩ, nếu ta đầu tư cho các em tốt thì tương lai của các em sẽ được thay đổi, các em sẽ được yêu thương, chăm sóc vững bước vào tương lai tươi sáng.

Nghĩ là làm, đầu tiên sư Chơn Hữu chỉ mở các lớp dạy thêm về ngoại ngữ, để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho các em trong vùng từ An Cựu đến Hương Thủy. Khóa đầu tiên là từ tháng 6 năm 2008. Đến nay, cơ sở "dạy thêm" từ thiện của sư Chơn Hữu đã có 4 lớp học sinh cấp II; 3 lớp học sinh cấp III, và 1 lớp luyện thi đại học.

Nguồn tài trợ đầu tiên chính là quý thầy trên núi "Huyền Không Sơn Thượng", ngoài ra sư Chơn Hữu tự vận động đồng thời qua các đợt triển lãm ảnh nghệ thuật, bán được ảnh thì toàn bộ kinh phí đều dành cho lớp học, hỗ trợ sách vở, giáo án, lương giáo viên... Các giáo viên được mời về đây giảng dạy đều là những giáo viên giỏi từ các trường trên thành phố Huế và có cả những giáo viên nước ngoài với chế độ lương tương đối cao. Mỗi tháng, sư Chơn Hữu chi cho chương trình học này 10 triệu đồng.

Ngoài ra tại chùa, sư Chơn Hữu còn mở thêm các lớp thiền ban đầu chỉ một số em tham gia, sau đó có rất nhiều em và một số em sau khi học thiền, tập ngồi thiền thì đã hạn chế và bỏ dần những đam mê chơi game... Bằng cách làm thiết thực của mình, sư Chơn Hữu luôn tìm cách để chuyển hóa các em học sinh từ những đam mê xấu đến những thói quen tốt, từ lười nhác, thụ động trong học tập các em đã trở thành những học sinh siêng năng, cần mẫn.

Sư Chơn Hữu có những đam mê nghệ thuật rất đáng trân trọng, trong đó nghệ thuật nhiếp ảnh của sư đã được công chúng công nhận. Sư có cái nhìn rất tinh tế và nhạy cảm với thiên nhiên. Những bức ảnh được sư sáng tác đều có giá trị nghệ thuật cao thu hút người xem. Sư tâm sự, thực ra để đam mê trở thành hiện thực thì phải có ý tưởng đẹp, sau đó cần phải có con mắt biết "nhấp nháy" với cái đẹp. Sư Chơn Hữu đã có 5 lần triển lãm cá nhân và 1 triển lãm chung toàn quốc. Ước mơ của sư Chơn Hữu hiện nay là sang Mỹ để tổ chức triển lãm từ thiện, tìm nguồn tài trợ để hỗ trợ cho các em học sinh, xây dựng trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất và đáp ứng nhu cầu học tập cho các em tốt hơn.

Thay lời kết

Tệ nạn học đường đang là thực trạng bị xã hội lên án. Với một đại ca đã gác kiếm và tìm về con đường giải thoát giác ngộ đã có những lời khuyên rất thiết thực: "Ý nghĩa đích thực và căn bản của cuộc sống là tình thương. Mỗi người khi ý thức được tình thương gia đình, tình thương bạn bè và tình thương xã hội thì cuộc đời sẽ được thành tựu và thăng hoa. Tuổi trẻ thường sốc nổi, thiếu suy nghĩ thấu đáo nên khi để xảy ra sự việc đáng tiếc thì rất ân hận, lúc đó thì đã muộn. Theo sư, sở dĩ trong xã hội ngày nay thường có những tệ nạn là vì thiếu yếu tố tình thương, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia chân thành với nhau... Tuổi trẻ hãy biết mở rộng lòng mình và biết sống yêu thương với thiên nhiên, con người thì xã hội sẽ tốt đẹp và tràn đầy tình thương".

Kỳ tới: Sống trượt dài trong những trò đời và lặn ngụp trong ma túy rồi dẫn đến trộm cướp, ngồi tù… nó cứ tiếp diễn như những hình xăm rồng rắn chằng chịt ngày càng dày thêm trên thân thể. Thế nhưng, trong những ngày cùng đường nhất và nhờ vào tình thương, Hưởng lại tìm thấy Phật và bước sang một ngả rẽ...

Bài, ảnh Không Lực


http://www.giacngo.vn/xahoi/2011/01/02/5B7211/


Được sửa bởi Quảng Nghiêm ngày Tue 01 Nov 2011, 9:54 am; sửa lần 3.
Quảng Nghiêm
Quảng Nghiêm
Admin

Leo
Dragon
Tổng số bài gửi : 1011
Join date : 19/05/2011
Age : 47
Đến từ : TPHCM

Về Đầu Trang Go down

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Empty Re: CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH!

Bài gửi by Quảng Nghiêm Sun 25 Sep 2011, 5:19 pm

Kỳ 3: Lên núi lập nguyện

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Sutamthuy
Sư Minh Thủy


Giác Ngộ - "Vô minh đã cuốn tôi đi. Tôi cứ lăn dài mải miết, nếu không nhờ tình thương yêu của chị, lòng từ bi, bao dung của những người thầy không biết bây giờ tôi ra sao và ngụp lặn ở nơi nào. Chia sẻ về cuộc đời mình, tôi mong sẽ giúp những ai còn ngụp lặn trong tội lỗi hãy biết phản tỉnh, biết nhìn lại và quay về với chơn tâm". Sư Minh Thủy

Sống trượt dài với những tấn trò đời và lặn ngụp trong ma túy rồi dẫn đến trộm cướp, ngồi tù… nó cứ xô đẩy, tiếp diễn như những hình xăm rồng rắn chằng chịt ngày càng dày thêm trên thân thể. Thế nhưng, trong những ngày cùng đường nhất, nhờ vào tình thương, Hưởng lại tìm thấy Phật và bước sang một ngã rẽ khác. Và, để hôm nay có một sư Minh Thủy sống trọn lòng với Phật pháp…

Chị vừa là mẹ vừa là cha

Sống trong gia đình có người cha là một "thầy giám thị"đồn điền cao su rất độc đoán dù tôi được cho ăn học tử tế và không thiếu thứ gì. Năm 1965 tỉnh Phước Long bị thả bom thành bình địa, gia đình chúng tôi được Sư tổ khai sơn chùa Hoằng Pháp rước về Hóc Môn cùng 50 gia đình khác sinh sống. 17 tuổi, tôi mất cha. Trước khi mất, cha tôi bắt chị phải quỳ gối hứa với ông chăm lo cho tôi đến khi tôi có gia đình riêng mới được lấy chồng. Lời hứa đó như một định mệnh để tôi lăn dài và trượt dốc.

Cha mất, tôi thoát ra khỏi cái khung gia đình gia giáo, bỏ thi tú tài 1, mở đầu cuộc đời của một thằng tuổi trẻ với bao tò mò, háo thắng và ngông cuồng. Tôi đi lính, môi trường của thiếu sinh quân chỉ có đánh nhau, xài ma túy, ăn chơi trác táng, ở đây một năm tôi đào ngũ. Về nhà, chị tìm cách chi tiền để làm giấy giả cho tôi trở lại 15 tuổi, trốn lính. Thực chất, tôi giả làm học sinh để buôn bán ma túy, tiếp tục ăn chơi. Tôi bắt đầu những chuyến buôn ma túy đường dài từ Tam Hiệp cho đến Rạch Sỏi để lấy tiền tiêu xài. Tôi đem tiền về nhà, chị nói đó là tiền dơ bẩn nên không đụng đến, có tiền tôi hút chích và tiêu xài hết rồi lại bắt đầu những chuyến khác. Năm 1972, tổng động viên, tôi được trả lại cấp bậc trung sĩ và từ đây đã tạo điều kiện cho những cuộc ăn chơi hưởng thụ. Sau giải phóng, ở nhà không được bao lâu tôi xin gia nhập vào Thanh niên xung phong không phải vì lý tưởng mà để tìm cách thoát ly gia đình và tiếp tục xài ma túy. Tôi kết bạn với những người xấu và trở thành con nghiện rất nặng. Cuộc sống của tôi chỉ có bạn xấu, ma túy và những ngày vất vưởng ngập ngụa ở quán bar.

Một ngày, chị gọi về và bảo đã tìm được vợ cho tôi nên tôi gật đầu đồng ý. Chị tôi giao cho 3 căn nhà của cha để lại. Chị nghĩ khi có gia đình thì tôi sẽ ở nhà và làm một người có trách nhiệm. Như vậy, chị đã làm tròn lời hứa trước vong linh của cha. Nhưng gia đình, là nơi tôi vòi tiền và tiếp tục hút chích. Ba căn nhà tôi bán sạch để lăn vào chiếu bạc và ma túy.

Hết tiền, tôi cùng bạn bàn nhau mua súng, đi cướp và nếu được quả này sẽ vượt biên. Tôi bị bắt với 7 năm tù, bạn 5 năm. Vào tù, bạn tôi sốc thuốc chết trước ngày mãn hạn vài ngày nhưng không làm tôi tỉnh ngộ, bản án cướp giúp tôi làm đại ca trong trại và dưới trướng còn có Lủng đầu bò (Lủng là đàn em Năm Cam). Ra tù, thay vì vui mừng trở về nhà thăm vợ, tôi sang quận 4, chơi đã rồi mới về. Tôi tu tỉnh được một năm và sinh được con gái đầu lòng. Một hôm, tôi mua bánh về nhà thăm con, cậu em vợ đã vứt đi những cái bánh cho chó ăn. Tôi lại nổi xung thiên, định bụng sẽ sang Cam mua một quả lựu đạn, đợi đến Tết thả một quả cho chết cả nhà. Nhưng, chẳng hiểu sao tôi kiềm lại được.

Đôi khi suy nghĩ lại, tôi cũng thương chị, chị vừa là mẹ vừa là cha. Chị tôi vui mừng nghĩ tôi đã hồi tâm. Nhưng rồi, tôi theo Hải móm là đàn em của Lủng đến Campuchia áp tải hàng và tiếp tục trượt dài trong ma túy, rượu và gái gú. Mẹ mất, chị tôi bảo nếu lần này không nghe lời sẽ bỏ luôn. Chị mua cho một chiếc xe máy để tôi chạy xe ôm kiếm sống, có tiền tôi tiếp tục xài ma túy. Chẳng bao lâu, tôi bán luôn xe. Lần này, chị cũng bảo là lần cuối cùng giúp tôi. Chị bắt tôi vào chùa Hoằng Pháp làm công quả.

Tu khổ hạnh

Vào chùa, thân trong nhưng tâm tôi thì ở ngoài. Bao cuộc đụng độ với giang hồ có dao búa trước cửa chùa cũng do tôi gây ra. Mỗi lần như vậy, thầy trụ trì bắt tôi làm giấy kiểm điểm. Một lần đụng với giang hồ, chúng biết và nể nang tôi nên hứa không quậy phá chùa nữa. Tôi được thầy cho làm bảo vệ. Thời gian này, tôi hiểu rằng đã quậy nát nước rồi, chẳng lẽ vào chùa quậy tiếp và vì thương chị như mẹ nên tôi quyết định "gác kiếm".

Một lần trốn chùa đi đình đám để từ giã bạn đi Mỹ, vì nghĩ trách nhiệm bảo vệ ở chùa nên tôi đòi về. Một thằng bạn say chở tôi và giữa đường nó "đua", té ngã làm tôi gãy chân, bể xương hàm và đầu vá bảy mũi. Lần này, chị tôi bỏ thật. Nhưng, sư phụ lại lo lắng cho tôi. Sau khi ở bệnh viện về, thầy kêu tôi lên không phạt gì nhưng bảo tôi phải "tự xử" vì tôi đã 5 lần viết kiểm điểm rồi. Tôi nghĩ có chơi thì có chịu nên tôi phán: "Nếu thầy không thương thì con sẽ lên chánh điện mổ bụng cúng dường Phật".

Câu chuyện của tôi tới tai ĐĐ.Thành, thầy đã xin sư phụ cho tôi lên tịnh xá Ngọc Phật ở núi Thị Vải làm công quả. Trước khi đi, sư phụ cho tôi 400 ngàn. Tôi lén mua cục á phiện làm hành trang với suy nghĩ nếu chùa không nhận thì có mà xài dọc đường. Trước khi vào chùa, tôi tác bạch với TT.Thích Giác Viên, trụ trì TX.Ngọc Phật tất cả, tôi là người đầy tội lỗi, ở tù, nghiện ngập, bất hiếu, phụ vợ con, đầy sân hận… "Con là người như vậy, nếu thầy nhận thì nhận, không thì cho con biết".

Tôi được thâu nhận với điều kiện trong một tuần nếu có nợ tiền, nợ tình, nợ máu gì thì phải trả sạch. Ở TX.Ngọc Phật được 5 tháng thì thầy cho tôi tập sự xuất gia với pháp danh Minh Thủy với ý nghĩa như dòng nước dịu dàng xoa dịu những cơn sân hận. Thầy đã từng nói: "Con bỏ tất cả và sẽ được tất cả", câu nói ấy trở thành phương châm sống cho tôi, tôi nhận ra con đường vô minh của mình trước đây nên quyết tâm dứt hẳn với ma túy.

Tôi được học thiền, tập thiền. Gần thầy, tôi nhận ra một con người đầy đạo hạnh, chính thầy đã độ được cha mẹ, anh em trong gia đình nên tôi rất phục. Con người ngang dọc như tôi chỉ mong gặp được người hiền đức như thế để xứng đáng làm gương sáng cho mình. Dù quyết tâm nhiều nhưng ngồi thiền với tôi như chịu cực hình, tôi chỉ ngồi được 15 phút thì bắt đầu thấy lung lay. Nhìn đại chúng ai cũng vững vàng nên tôi quyết tâm lập nguyện phải ngồi thiền khi nào đại chúng xả thì mới xả. Với quyết tâm đó, dần dần tôi ngồi thiền được một giờ.

Sơn thủy ở tịnh xá đã giúp tôi dần tịnh tâm nhưng thật sự tôi còn rất chấp. Trong một lần cãi với sư chú, tôi lại thách thức mổ bụng cúng dường Phật. Vậy là tôi làm thật, tôi lên chánh điện, ngồi xếp bằng và hai tay cầm dao Thái Lan đâm thẳng vào bụng. Tất cả, tôi đâm bốn nhát nhưng không hiểu sao mũi dao chỉ xước nhẹ. Sau sự việc này, thầy chìu tôi cho lên núi tu một mình với một tấm bạt, một cái nồi và 5kg gạo như ước muốn của tôi. Mỗi nửa tháng, thầy sai người cõng lên cho tôi 5kg gạo, 1 bịch hột sầu riêng và bơ. Với cái lều bạt che mát, tôi tu tập siêng năng, mỗi thời khóa từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, ban ngày tôi làm tranh, cắt cỏ, gieo hạt bơ, sầu riêng và sám hối tội lỗi.

Tu núi đã xảy ra những cảm ứng linh thiêng làm tôi tâm phục khẩu phục nên tôi lập nguyện "dù nát thịt xương tan cũng không rời núi. Tôi không cho phép mình làm việc xấu, từ nay đến khi xả thân". Sư phụ lên núi thăm, thấy tôi đã tiến bộ nên cho phép tôi xuống núi và cất một cốc nhỏ để tôi an tâm tu tập. Mười năm tu núi, mỗi ngày tôi lập nên thời khóa tu tập rất nghiêm ngặt từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng: bao gồm công phu, ngồi thiền, ban ngày sám hối. Trong lòng tôi bây giờ chỉ có một chí hướng là theo Phật đến trọn kiếp này và núi là nơi tôi sẽ gởi thân.

Kỳ tới: Một quán cơm chay miễn phí được mọc lên, nơi mà trước kia là "trú xứ" của giới giang hồ nhờ một người hiền lương. Và con người nhân hậu này đã cảm hóa được nhiều anh chị trong giới giang hồ…

Huỳnh Diệu (Ghi theo lời kể của sư Minh Thủy)


http://www.giacngo.vn/xahoi/2011/01/06/7B7211/


Được sửa bởi Quảng Nghiêm ngày Tue 01 Nov 2011, 9:55 am; sửa lần 1.
Quảng Nghiêm
Quảng Nghiêm
Admin

Leo
Dragon
Tổng số bài gửi : 1011
Join date : 19/05/2011
Age : 47
Đến từ : TPHCM

Về Đầu Trang Go down

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Empty Re: CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH!

Bài gửi by Quảng Nghiêm Tue 27 Sep 2011, 10:08 am

Kỳ cuối: "Chỉ có tình thương ở lại"
Giác Ngộ - Chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả và kết thúc loạt bài này bằng câu chuyện về một người có cuộc sống đời thường khá đơn giản nhưng đầy ắp tình người. Đó là bác "Sáu hoàn lương" (bác Lê Công Thượng, pháp danh Từ Nghiêm) một người đã trải lòng nhân hậu không chỉ đối với người nghèo khổ mà ngay cả với giới giang hồ.

Với một lẽ bình dị "mình thương nó thì nó cũng sẽ thương mình", và với lý lẽ này những giang hồ, anh chị cũng đã cảm nhận được tình thương của bác mà hoàn lương quay về làm người lương thiện.

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Bacsau
Bác Sáu, chủ quán cơm chay Thiện Tâm bên bữa cơm của người nghèo

Bác Sáu Thượng nói: "Đơn giản lắm, giang hồ, quậy phá cỡ nào cũng biết thương vợ, thương con, gia đình, người thân của mình. Muốn tụi nó theo mình thì mình phải thương tụi nó trước và biết cách khơi vào góc khuất yêu thương còn lại trong tâm hồn tụi nó. Mình thương tụi nó, lo cho nó cái ăn cái mặc, giúp trong những lúc ngặt nghèo sống chết chẳng lẽ nó phụ mình. Tôi gieo tình thương thì gặt niềm tin, chỉ có tình thương ở lại với đời".

Cuộc đụng độ cuối cùng

Một ngày ghé đến quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm tại đường Hoàng Sa, sát bên hông cầu Lê Văn Sỹ, Q.3, chúng tôi gặp H.V, một thanh niên có vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng gương mặt rất sáng. V nhanh nhẩu dọn dẹp xe cộ, dọn bàn, bưng bê thức ăn cho những người nghèo khổ đến dùng cơm. V tự nhận mình không phải đại ca mà chỉ vì một thời tuổi trẻ còn bồng bột, ham vui lại hay thương anh em trong giang hồ nhưng cuộc sống bây giờ trong lòng rất nhẹ nhàng, thoải mái, tự tại vì đã biết làm việc có ích. Công này một phần vì sự quyết buông bỏ của bản thân và phần nhiều là nhờ vào tình thương yêu của bác Sáu "hoàn lương" mà mình xem như cha.

V nói, khu vực chùa Miên (chùa Chantaransay) trước kia khiếp lắm, nếu chạng vạng tối có lỡ đường gọi xích lô hay xe ôm chở đến đây là không ai dám đi. Cầu Lê Văn Sỹ trước đây là ranh giới của 4 phường nên cũng là ranh giới của các giang hồ, lang thang, cơ nhỡ tập trung. Nơi đây cũng là địa bàn của đại ca Sóc đen. Sóc đen có cha là người châu Phi, mẹ Việt. Sóc bị thất lạc cha mẹ nên lưu lạc, trôi giạt mải miết trở thành đại ca lừng lẫy rồi nghiện ma túy.

"Anh Sóc trước là đàn anh, vào tù ra khám như đi chợ, thậm chí nhà tù cũng không muốn dung dưỡng. Sóc xem khu chùa Miên này là "trái tim" để cát cứ, lừng lẫy một vùng với đàn em bao quanh nhưng những cơn nghiện tai ác đã cuốn anh Sóc đi, trong một lần bị sốc thuốc, Sóc rơi xuống kênh Nhiêu Lộc và chết". V nói.

"Cái chết của anh Sóc làm tôi suy nghĩ rất nhiều, cuộc vẫy vùng của anh Sóc rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nhớ lại những chuyện đâm chém, những sới gà đỏ đen trước đây, bây giờ nghĩ lại tôi thấy sao ghê quá, không hiểu sao mình làm được. Nhưng, xét cho cùng giang hồ cũng năm bảy loại, không phải hễ đâm chém nhau là đại ca và tôi chỉ là người vì quá thương anh em. Chuyện lo lắng cho người này, người kia nên anh em nể phục mà theo, tôi chưa bao giờ dạy anh em phải đi chém giết, giựt dọc, làm bậy hại người. Tôi bảo bọc, lo lắng nhưng đứa em nào làm sai thì phải đâu ra đó rất rõ ràng, xử phân minh. Nói vậy, chứ sau lưng cũng có đứa làm bậy, mình không biết, mình làm anh nên phải chịu".

V chỉ cho chúng tôi những vết sẹo chí mạng và tấm lưng đầy hình xăm là dấu tích còn lại, V gọi đó là dấu tích của những ngày tháng nông nổi của tuổi trẻ:

"Từ dạo quyết dứt bỏ chuyện giang hồ, tôi cạo trọc đầu đi theo bác "Sáu hoàn lương" (chủ quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm) để phụ lo cho quán cơm từ thiện với quyết tâm buông bỏ tất cả. Nhiều lúc, chùa Miên hễ có lễ, tôi tự nguyện giữ xe cho người đi chùa. Nhiều giang hồ tứ xứ đến quán ăn cơm từ thiện, rồi dò la, họ há hốc mồm ngạc nhiên. Tôi của hiện tại như là một phụ quán, lúc dọn bàn ghế, lúc bưng bê cơm mời chào tất cả những thành phần đến đây, có cả giang hồ, cướp giật, nghiện ngập và cả người đói rách. Hồi tôi mới theo bác Sáu, tụi nó chướng mắt nên cho người đến xử, hai ngày liên tiếp tôi bị đâm và chém, máu đã đổ xuống ngay khi tôi cố gắng "buông". Đó là cuộc đụng độ cuối cùng, nếu như trước kia, tôi đã có cách trả đòn quyết liệt, chắc chắn máu sẽ không ngừng đổ ở đó, nay thì khác tôi im lặng và cho qua. Tôi được bác Sáu khuyên bảo, cho tiền chữa trị vết thương. Trong lòng tôi xem bác Sáu như cha".

V nhận được từ bác Sáu rất nhiều và tình thương yêu đó làm V cảm kích, mỗi thứ 3, 5, 7, V đến quán cơm giúp bác Sáu phụ việc, theo cha làm nghề cắt tóc nam gần đó và vui thú với việc chăm sóc chim chóc. V nói: "Tôi bây giờ sống như nghệ sĩ và làm việc lương thiện, lúc thiếu tiền thì ra quán ăn cơm chay miễn phí. Tự thấy mình không phải người tệ bạc, biết thương cha mẹ, anh em và được gia đình thương yêu. Tôi thấy mình hạnh phúc, hiện tại tôi cũng cưu mang 3 đứa em cơ nhỡ, giúp đỡ tụi nó lúc khó khăn. Sống như vậy nên tôi thấy rất thoải mái và không phải suy tính hoặc phải lo sợ bị trả thù như trước kia".

"Bác Sáu hoàn lương"

Tháng 6-2007, duyên lành hội đủ, bác Sáu rủ anh Thịnh, làm việc tại Ngân hàng Phương Nam mở quán cơm chay từ thiện Thiện Tâm dành cho những người đói rách, lang thang, cơ nhỡ đến dùng mỗi tuần vào 3 ngày: thứ 3, 5, 7 tại khu vực bên hông chùa Chantaransay (đường Hoàng Sa, sát cầu Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM). Mỗi ngày có đến 400 người thuộc đủ thành phần: khuyết tật, nghiện ma túy, nghiện rượu, bán vé số, dân anh chị, người vô gia cư, sinh viên, học sinh… đến dùng cơm chay miễn phí, bác Sáu nói đó không những là bữa cơm cứu đói mà đó còn là những bữa cơm chứa đựng tình người với nhau, bữa ăn "nhường cơm sẻ áo". Bác nói: "Chừng nào tôi còn sống thì còn cơm từ thiện để giúp cho những người đói rách".

Cơm chay Thiện Tâm ra đời tại "điểm nóng" nên ngoài người nghèo, cơ nhỡ, lang thang còn có cả dân anh chị, giang hồ cũng kéo đến lúc ăn cơm, lúc dò la trong đó có đại ca Sóc đen và đàn em. Bác Sáu nói: "Ở đây là chỗ làm việc thiện, tụi bây muốn quậy phá thì đi chỗ khác nếu muốn giúp tao thì ghé chơi, tao sẵn lòng. Dò la biết Sóc đen mới ra tù nên tôi giúp đỡ, lúc thì cho tiền bạc lúc thì lựa lời khuyên răn. Nghe anh em nói, nó muốn cai nghiện nhưng không có nhà, khó cai nên tôi sai người đi thuê nhà, mua lương khô cho Sóc trong một tháng. Sóc nghe theo, nhưng tiếc cho nó đang trong giai đoạn cai thì Sóc té xuống sông, chết".

Những ngày quán mở cửa, bác Sáu đến ngồi ở chiếc ghế quen thuộc quan sát, nói chuyện với từng người. Dân đói rách ở TP thường thân thuộc với bác, ai bác cũng thương, cũng giúp đỡ nên có lúc đi giữa đường chợt nghe ai đó kêu tên mình giữa đám đông, ngoái lại mới thấy anh bán vé số hay "cái thằng lượm ve chai". Ai đến ăn cơm bác cũng nhớ mặt và biết hoàn cảnh của từng người. Có những hoàn cảnh quá thảm thương, bác lại dốc lòng lo cho đến nơi đến chốn, "như thằng Lộc, không gia đình, lang thang, nghiện rượu nặng, mỗi buổi sáng nó nằm phơi bụng trên bãi cỏ, bao nhiêu chiếc xương sườn thì thấy hết ráo. Tôi phải xốc nó dậy, đặt cơm tháng, mua hủ tiếu mỗi buổi sáng nuôi cho nó tỉnh người lại. Vậy mà nó sống cho đến bây giờ".

Cuộc đời nhiều thay đổi, như bác nói có người trước kia cũng công danh rạng rỡ nhưng rồi hiện nay phải đến đây ăn cơm từ thiện. Nhiều người ăn cơm chay miễn phí của quán từ ngày thành lập đến nay, bác gọi vui đó là "ăn mối". Ngồi với bác một lúc trưa ở quán, chúng tôi tận mắt chứng kiến có người đến xin 100 ngàn đồng mua cái bánh xe đạp, lúc xin tiền đóng học phí, lúc lại xin chiếc xe đạp đi bán vé số, xin chữa bệnh… ai bác cũng sẵn lòng. Bác Sáu nói, bác thương nhất là mấy đứa mới ra tù, xất bấc xang bang nên bác tạo điều kiện cho nó hoàn lương, làm việc thiện bằng cách giúp cho tiền mua quần áo, tiền đi lại, rồi xin việc làm cho. Không những vậy, tối đến bác đi dạo tại các "cung đường của người lang thang" bác lại cho cái mền đắp ấm, trước Tết 1 tuần bác đi một vòng tặng mền, quần áo, bịch bánh "để tụi nó ăn Tết cho ấm lòng".

Bài, ảnh H.Diệu


http://www.giacngo.vn/xahoi/2011/01/15/5FF011/
Quảng Nghiêm
Quảng Nghiêm
Admin

Leo
Dragon
Tổng số bài gửi : 1011
Join date : 19/05/2011
Age : 47
Đến từ : TPHCM

Về Đầu Trang Go down

CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH! Empty Re: CÂU CHUYỆN NHỮNG GÃ GIANG HỒ PHẢN TỈNH!

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết