NHẤT TÂM NIỆM PHẬT - CẦU SANH TỊNH ĐỘ


Join the forum, it's quick and easy

NHẤT TÂM NIỆM PHẬT - CẦU SANH TỊNH ĐỘ
NHẤT TÂM NIỆM PHẬT - CẦU SANH TỊNH ĐỘ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Đăng Nhập

Quên mật khẩu

Latest topics
» PHÓNG SANH - 2013
by Quảng Chánh Fri 20 Dec 2013, 4:38 pm

» HÌNH ẢNH LỄ VÍA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ 17/11 QUÝ TỴ
by Quảng Chánh Fri 20 Dec 2013, 4:36 pm

» Thông Báo: LỄ VÍA PHẬT A DI ĐÀ 17/11 QUÝ TỴ
by Quảng Nghiêm Tue 10 Dec 2013, 12:02 pm

» Chuyến Hành Hương Đà Lạt Của Các Huynh Muội!
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:31 pm

» CHÙA QUÁN ÂM TỊNH THẤT - ĐỨC TRỌNG - LÂM ĐỒNG
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:17 pm

» VĨNH MINH TỰ VIỆN - ĐẠI NINH
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:13 pm

» CHÙA PHƯƠNG LIÊN TỊNH XỨ - ĐẠI NINH
by Quảng Nghiêm Wed 04 Dec 2013, 4:07 pm

» CHÙA DƯỢC SƯ - ĐẠI NINH
by Quảng Nghiêm Tue 03 Dec 2013, 4:21 pm

» Hình Ảnh Phóng Sanh Thứ Năm 21/11/2013
by Quảng Nghiêm Thu 21 Nov 2013, 2:17 pm

ĐẠI LỄ PHÓNG SANH CHÙA TỪ ÂN 2013
CHUA TU AN.gif
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Images?q=tbn:ANd9GcRlMejTGgNz5wM3qlaZDrddg9nSkmwZOPNo7da1-ROruqVGf_Uunw
“Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc, trong thế giới đó có Đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói pháp”.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Images?q=tbn:ANd9GcSC-TGWiq75j0XxMcwvEuWsupTz51ROY8H3KC2gVO8PrgEl7kis
Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp.
Nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh phát Bồ đề tâm, tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
Nguyện thứ 20: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi; và tu các công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Images?q=tbn:ANd9GcT_Cwwvbt-KXrgxf2JVdbPARkRNNKUP4UnXvofNx14x0rBsPzis
Nầy Vi-Đề-Hy, bất cứ chúng sanh nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật, dẫu chỉ một ngày cho tới bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì cảm ứng những năng lực tổng trì không thể nghĩ bàn.
NAM MÔ ĐẠI LỰC ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Phoca_thumb_l_07
Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ, như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.
NAM MÔ ĐẠI HẠNH PHỔ HIỀN BỒ TÁT
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Images?q=tbn:ANd9GcQrZzV4LYT1XvW4d6tDrJGwWBz0xQx7kD-bmMv9euFy2pMsmu_4
Danh hiệu Phật chính là ba đời mười phương chư Phật, vì A-Di-Đà tức là Pháp-giới Tạng-thân, có lực dụng thu nhiếp và hiện Pháp thân của ba đời mười phương chư Phật.
NAM MÔ ĐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Images?q=tbn:ANd9GcQmVlwzrsEvtHL5UZf5-xLsQ7VvFMcCAySNw66pZ2sTMa7h1Qo6_A
Về phương Tây của thế giới này, có Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc. Đức Thế Tôn đó nguyện lực không thể nghĩ bàn! Ngươi nên chuyên niệm danh hiệu của ngài nối tiếp không gián đoạn, thì khi mạng chung, quyết được vãng sanh, chẳng còn bị thối chuyển.

Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà...

Go down

Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... Empty Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà...

Bài gửi by Quảng Nghiêm Sun 24 Jun 2012, 12:31 pm

Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà ( phần !)
10.06.2012 01:08
Cảm nhận sự vi diệu của Kinh A Di Đà... IMG_1638_1
Tôi có cơ duyên từ Việt Nam, qua một quãng đường xa xôi tới Đài Loan học tập. Bởi có nhân duyên ba mẹ là người theo đạo Phật, lại được Phật, Bồ Tát từ bi, thương sót, gia hộ, tại Đài Loan tôi được dịp biết tới Thượng nhân Tuyên Hóa và lão Pháp sư Tịnh Không. Tuy chưa từng gặp Thượng nhân và lão Pháp sư trực tiếp lần nào, song tôi cũng có được cơ hội nghe các Ngài giảng Kinh, thuyết Pháp trên đài truyền hình và trên mạng Internet, bởi vậy mà tôi phần nào hiểu hơn về giáo lý Phật Pháp. Thế nên, tôi vô cùng cảm tạ ba mẹ đã cho tôi cơ hội đi xa để học tiếng Trung Hoa, và tôi có thể nhìn nhận được những kiến thức bản thân mình còn thiếu sót. Cảm tạ Thượng nhân Tuyên Hóa và lão Pháp sư Tịnh Không cùng các vị Pháp sư khác, đã “Pháp bố thí” giúp chúng sinh hiểu rõ hơn Phật Pháp. Và cũng cảm tạ các Phật tử đã “tài bố thí” (tiền bạc và nhân lực) giúp đỡ Thượng nhân và lão Pháp sư hoằng dương Phật Pháp công đức viên mãn.

I. Lời nói đầu

Đối với một người Phật tử, như lão Pháp sư Tịnh Không đã dạy chúng ra rằng, phải xa rời 3 độc “tham, sân, si” [1], tinh tấn 3 học “giới, định, tuệ” [2], và rồi cần trút bỏ “ảo tưởng, phân biệt, cố chấp”, trên con đường học Phật chúng ta sẽ dần dần gặt hái được thành tựu. Khi Phật Đà còn tại thế, Ngài đã từng thuyết giảng cho các đệ tử rất nhiều bài Pháp, trong đó có “Kinh A Di Đà”, người Phật tử nào cũng biết đến bài Kinh này, có nhiều người niệm, có nhiều người hiểu, song cũng không ít người vẫn chưa hiểu thấu đáo, và số người thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngòn tay. Bản thân tôi trước khi nghe Thượng nhân Tuyên Hóa và lão Pháp sư Tịnh Không cùng các Pháp sư khác giảng giải, thì cũng không hoàn toàn thấu hiểu và khó lý giải được hết sự diệu kỳ của bài Kinh này.

Kinh điển của Phật Đà có rất nhiều, như “Kinh Lăng Nghiêm”, “Kinh Hoa Nghiêm”, “Phổ Môn Phẩm”, “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, “Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh” vân vân, trong đó tôi chọn “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” để viết bài báo cáo tâm đắc này, là bởi tôi nhận thấy rằng, Phật Đà chỉ dẫn chúng ta thoát ra khỏi sáu đạo luân hồi, tìm về “tự tính”, vậy thì làm thế nào để thoát khỏi sáu đạo luân hồi, để được giải thoát? Phật Đà đã đưa ra phương pháp giải thoát trong bài Kinh, giới thiệu cho chúng ta Thế giới Tây phương Cực Lạc và Phật A Di Đà, có thể hiểu rằng công đức của “Phật A Di Đà” huyền diệu như thế nào, và cũng rất đáng để người học Phật chúng ta nghiên cứu thêm. Vì thế nhân cơ hội này, tôi có thể ngâm cứu thêm về “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, đồng thời chia sẻ ý kiến của bản thân tôi với người đọc. Bài báo cáo được viết chủ yếu trên tinh thần học tập là chính, nội dung bài báo cáo có thể còn nhiều chỗ chưa được thỏa đáng hoặc còn nhiều lỗi sơ suất, rất mong được lượng thứ, và cũng rất mong nhận được ý kiến đáng quý từ người đọc để bài viết được thêm hoàn thiện hơn.

II. Giản lược “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”

Công đức ghi chép Kinh Điển

Pháp sư Tự Lập (sinh năm 1927, người Thái Châu tỉnh Giang Tô) trong một bài giảng tại giảng đường Thái Hư chùa Ẩn Tu ở Philippine, giảng rất rõ về những bộ Kinh của Phật Đà khi còn tại thế, được đệ tử là Ngài Đại Ca Diếp chiêu tập 500 vị A La Hán, và Ngài A Nan tuyên giảng, sau khi được tăng chúng ấn chứng, kết tập thành 3 bộ Đại Tạng Kinh. [3] Trong bài giảng của Pháp sư Tự Lập, cũng giới thiệu rõ hai vị đệ tử, Ngài Ca Diếp tôn giả (Ma Ha Ca Diếp) là vị tôn giả đứng hàng thứ 3 trong những đệ tử lớn của Phật, là một vị “đầu đà đệ nhất”, tức tu hành khổ hạnh rất tinh tấn không bao giờ gián đoạn về 3 phương diện “y, thực, trụ” (mặc, ăn, ở) [4]; Ngài A Nan (A Nan Đà) thị giả cho Phật, là vị tôn giả đứng hàng thứ 9 trong những đệ tử lớn của Phật, là một vị “đa văn đệ nhất”, tức có thể nhớ kỹ không bao giờ quên tất cả những bài Kinh mà Phật Đà đã từng giảng. Phật tử chúng ta tán thán công đức thuyết giảng Kinh Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vì muốn cứu vớt chúng sinh tại Thế giới “ngũ trục ác thế” này. Đồng thời tán thán công đức ghi chép Kinh điển của Ngài Ca Diếp và A Nan, đem Kinh Điển lưu truyền hậu thế. Nam Mô A Di Đà Phật!

Công đức phiên dịch Kinh Điển

Nội dung Kinh Điển của Phật Đà được ghi chép bằng chữ Phạn cổ văn, sau được một số Pháp sư người Trung Quốc dịch sang chữ Hán, như cao tăng Cưu Ma La Thập (Tây nguyên năm 344 – 413, người nước Tây Vực Quy Tư, nay là huyện Khố Xa Tân Cương), Pháp sư Chân Đế (năm 499 – 569, người nước Ưu Thiền Ni Tây Thiên Trúc), Pháp sư Huyền Trang (năm 602 – 664, người huyện Lạc Châu Câu Thị, nay là Nam Cảnh thành phố Yển Sư tỉnh Hà Nam), Pháp sư Bất Không (năm 705 – 774, người nước Sư Tử Nam Thiên Trúc), được xưng làm tứ đại Phật Kinh phiên dịch sư của Trung Quốc. Bài Kinh chữ Hán “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” được dịch bởi Pháp sư Cưu Ma La Thập. Năm 1969, Thượng nhân Tuyên Hóa (năm 1918 – 1995, người huyện Song Thành tỉnh Cát Lâm, nay là thành phố Ngũ Thường tỉnh Hắc Long Giang) trong bài giảng tại giảng đường Phật Giáo ở thành phố San-Francisco nước Mỹ, giải thích về hàng chữ “Diêu Tần Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch”, tức thời kỳ Diêu Hưng, sau khi mẫu thân Ngài Cưu Ma La Thập xuất gia chứng quả, Ngài Cưu Ma La Thập cũng cùng mẫu thân xuất gia; Sau khi xuất gia, trong vòng một ngày, Ngài đọc rất nhiều Kinh, Kệ tụng, chỉ cần đọc qua một lần có thể nhớ như in. [5] Kinh Điển do Pháp sư Cưu Ma La Thập phiên dịch có thể nói vô cùng chính xác. Phật tử chúng ta tán thán công đức phiên dịch Phạn văn sang Hán văn của bốn vị Pháp sư (có thể còn có nhiều các Pháp sư khác nữa), đem Kinh Điển lưu truyền hoằng dương tới các khu vực của Trung Quốc, đồng thời Phật tử của các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và khu vực có người Hoa sinh sống đều được lợi ích của sự hoằng dương. Nam Mô A Di Đà Phật!

Công đức giải thích Kinh Điển

Theo lời giảng của Thượng nhân Tuyên Hóa, Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết “A Di Đà Kinh”, khi không có đệ tử nào hỏi Ngài, mà tự Ngài nói cho các đệ tử nghe. Bởi Xá Lợi Phất là vị tôn giả “trí tuệ đệ nhất” trong hàng đệ tử của Phật, có được trí tuệ như Xá Lợi Phất, mới có thể tiếp thọ đạo lý thâm diệu của pháp môn tịnh độ, thâm tín vô nghi (tin sâu sắc mà không hề có chút nghi ngờ). [6] Cho nên trong “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, Phật Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết với Ngài Xá Lợi Phất. Còn “như thị ngã văn” (như tôi được nghe), “ngã” (tôi) ở đây là Ngài A Nan Đà đã thay Phật thuyết Pháp sau khi Phật Đà diệt độ. Thượng nhân Tuyên Hóa trong bài giảng của mình, cũng đã giải thích khá rõ về nội dung của “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, bài báo cáo chỉ đưa ra những ý chính để bạn đọc cùng tìm hiểu:

Thứ nhất, địa điểm Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết “A Di Đà Kinh” là tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ Ấn Độ; Thời gian của nước này quy định không nhất thiết giống với quy định của các nước khác, nên thời gian không xác định; Người nghe thuyết có các bậc Thanh Văn, Bồ Tát và Trời, người.

Thứ hai, chúng sinh vãng sinh vào Thế giới Cực Lạc, được sinh ra như thế nào, ai là ba mẹ của họ? Chúng sinh vãng sinh vào Cực Lạc tịnh độ là do hoa sen hóa sinh. Hoa sen được tỳ khưu Pháp Tạng (tiền thân của Phật A Di Đà) do nhiều kiếp tu trì và nguyện lực mà thành. Khi có người trên Thế gian này niệm Phật học Phật, thất bảo trì (hồ nước do bảy bảo bối tạo thành) trong Cực Lạc tịnh độ sẽ nảy mầm một đóa sen, đóa sen này chính là hoa thai khi người niệm Phật học Phật đó vãng sinh. Chính vì thế, “liên hoa vi phụ mẫu” (hoa sen là cha mẹ), thân thể người vãng sinh rất thanh tịnh, tự tại. Không như chúng sinh trên thế gian này, thân thể hình thành do “phụ tinh mẫu noãn” (tinh trùng của bố kết hợp với trứng của mẹ), nên thân thể huyết mủ tanh hôi mà sinh ra ngũ dục lục trần (tài, sắc, danh, thực, thụy; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).

Thứ ba, cảnh giới trang nghiêm phi thường của Thế giới Tây phương Cực Lạc:

Thất trùng lan thuẫn (bảy lớp lan can) tượng trưng cho “giới”, thất trùng la võng (bảy lớp mạng lưới) tượng trưng cho “định”, thất trùng hàng thụ (bảy lớp cây cao) tượng trưng cho “tuệ”. Đại sư Thiện Đạo trong “Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sơ” quyển 3, giải thích “thất trùng” (bảy lớp) không hẳn là bảy hàng lớp, mà là bảy loại bảo bối “hoàng kim, tử kim, bạch ngân, mã não, san hô, bạch ngọc, chân châu”, tượng trưng cho bảy khoa đạo phẩm (37 đạo phẩm) [7]. Trong 48 nguyện của Ngài Pháp Tạng, bổn nguyện thứ 38 nói rằng, Cực Lạc tịnh độ có vô lượng sắc thụ (cây nhiều màu sắc), cao trăm ngàn do tuần (1 do tuần bằng 13 – 16 km), cây trong đạo trường cao 4 triệu km, có thể thấy rằng, trí tuệ ở đây thực sự quảng đại như thế nào. Mặt đất được làm bằng bốn loại bảo bối “vàng, bạc, lưu ly, pha lê”, tượng trưng cho “thường, lạc, ngã, tịnh” [8] bốn đức của niết bàn.

Hồ nước:

Hồ nước được làm bằng bảy bảo bối do thiên nhiên tạo thành “vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não”. Trong hồ có bát công đức thủy (nước tám công đức) [9], nước này có thể uống, nuôi dưỡng các căn của thân thể, thiện căn tăng trưởng; Nước này có thể tắm gội, tùy ý nguyện của mỗi người mà nông sâu ấm mát. Đáy hồ không có chút sa cát, mà toàn là kim sa, giẫm lên cảm thấy rất êm. Hoa sen trong hồ to như vòng xe, một đóa sen nhỏ thì mấy chục km, đóa sen lớn thì vài trăm km, tỏa ra muôn vàn màu sắc quang minh, thanh hương thơm ngát, mùi thơm này làm tâm thanh tịnh, và tự nhiên phát tâm tu hành.

Không trung:

Vũ thiên mạn đà la hoa, không phải trời mưa bình thường, mà là hoa năm sắc sặc sỡ bay xuống, hương khí thơm phức, hoa có thể tùy ý người xem mà tự do biến đổi hình tượng, đắc tâm hoan hỷ. Chim nhiều màu sắc phát ra âm thanh hòa nhã, gió nhẹ làm lay chuyển hàng cây, la võng, khẽ va vào nhau phát ra âm thanh như các loại nhạc khí, chúng sinh trong Thế giới Cực Lạc nghe những âm thanh này tự nhiên phát tâm tu hành. Thế giới Cực Lạc có được công đức trang nghiêm như thế, đến chữ “ác” cũng chẳng bao giờ nghe tới, chỉ chuyên tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, không thoái chuyển vô thượng chính đẳng chính giác.

Thứ tư, Thế giới Cực Lạc không có 3 ác đạo [10], chim nhiều màu sắc chẳng qua là do nguyện lực của Phật A Di Đà biến hóa mà thành, trợ giúp thuyết Pháp. Tướng mạo của chúng sinh ở Thế giới Cực Lạc đều giống với tướng mạo của Phật A Di Đà, bởi sự bình đẳng Pháp tướng trong bổn nguyện của Ngài.

Thứ năm, danh hiệu A Di Đà Phật là từ chữ Phạn dịch thành chữ Hán, nghĩa là “vô lượng quang” hay “vô lượng thọ”, cho nên quang minh của Phật A Di Đà không hề có chút trở ngại nào mà có thể chiếu tới thập phương quốc thổ, tuổi thọ của Ngài trăm ngàn vạn tỷ đại kiếp bất tận. Cho nên, chúng sinh trong Thế giới Cực Lạc cũng có tuổi thọ vô cùng trường viễn.

Thứ sáu, Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên chúng sinh niệm “A Di Đà Phật”, phải “không được ít thiện căn, phúc đức, nhân duyên”,cũng có nghĩa là cần có “tin, nguyện, hành” 3 điều kiện để có thể vãng sinh Thế giới Cực Lạc:

1. “Tin”, Phật Đà trong Kinh nói rằng, “A Di Đà Kinh” là bài Kinh được thập phương chư Phật bảo hộ. Phật thị bất vọng ngữ giả (Phật không bao giờ là người nói dối), cho nên lời nói của Phật Đà và thập phương chư Phật đều chân thực bất hư (hoàn toàn là sự thật), giúp chúng ta đoạn trừ nghi hoặc, tin rằng sự việc này hoàn toàn có thật. Thượng nhân Tuyên Hóa cũng chỉ dẫn chúng ta, thứ nhất tin rằng Thế giới Tây phương Cực Lạc là có thật, thứ hai tin rằng Phật A Di Đà là có thật, thứ ba tin rằng chúng ta có đại nhân duyên với Phật A Di Đà;

2. “Nguyện”, Phật Đà trong Kinh có nói ba lần “ứng đăng phát nguyện, nguyện sinh bỉ quốc” (nên phát nguyện, nguyện sinh vào nước này), khuyên chúng ta phát bồ đề tâm (vì chúng sinh, chứ không phải vì bản thân mình) nguyện sinh vào Thế giới Cực Lạc;

3. “Hành”, trong cuộc sống những hành vi cử chỉ của chúng ta cần phải cải tà hướng thiện, và thường niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” để có thể cảm ứng với Ngài.

Thứ bảy, Phật Thích Ca Mâu Ni tán thán công đức của thập phương chư Phật, tán thán “A Di Đà Kinh” là một Pháp huyền diệu không ngờ. Thập phương chư Phật cũng tán thán Phật Thích Ca Mâu Ni có thể đắc vô thượng chính đẳng chính giác ở thế giới ngũ trục ác thế này. Ngũ trục ác thế, tức “kiếp trục, kiến trục, phiền não trục, chúng sinh trục, mệnh trục” [11], thập phương chư Phật tán thán Thế tôn vì chúng sinh mà thuyết bài Kinh có thể nói là rất khó tin này. Các vị đại A La Hán và nhân chúng nghe Phật thuyết vô thượng thậm thâm vi diệu Pháp “A Di Đà Kinh” xong, đều hoan hỷ y giáo phụng hành (các bậc A La Hán đều vô cùng vui mừng, nghe theo lời dạy của Phật tu tập).

Phật Đà từ bi! Nếu có người nghe “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” và thọ tín, cũng là đã có nhân duyên lớn với Phật A Di Đà. Đệ tử chúng ta tán thán công đức “Pháp bố thí” của Thượng nhân Tuyên Hóa và lão Pháp sư Tịnh Không cùng các vị Pháp sư khác, từ bi khai thị cho đệ tử chúng ta trí tuệ tăng trưởng, y giáo phụng hành. Nam Mô A Di Đà Phật!

Lợi ích công đức nguyện vãng sinh Thế giới Cực Lạc.

Lão Pháp sư Tịnh Không (năm 1927, người huyện Lô Giang tỉnh An Vi) trong bài giảng thứ 10 về “Phật Thuyết A Di Đà Kinh Giảng Ký” nói rằng, người phàm phu như chúng ta không thể nào có thể tưởng tượng hết được sự trang nghiêm mỹ lệ của Thế giới Cực Lạc. Những bảo bối trong Thế giới Cực Lạc mà Phật có nói trong Kinh, số lượng cũng như chủng loại thì vô lượng, hơn thế nữa chất lượng còn giá trị gấp nhiều lần so với những bảo bối trong thế giới mà ta đang sống. Trong những số lượng bảo vật lớn ấy, cũng chỉ có thể lấy ra một số bảo vật tương tự với thế giới chúng ta có để làm ví dụ mà thôi, như thế có thể giúp chúng ta dễ hiểu, nếu nói thêm nhiều nữa thì e rằng chúng ta cũng không thể hiểu rõ hết được. Bởi “chánh báo” chuyển đổi theo “y báo”, chúng sinh có phúc báo lớn thế nào thì sẽ có được môi trường sống tốt đẹp như thế, vì vậy những chúng sinh vãng sinh vào Thế giới Cực Lạc vì đã tu thiện nghiệp ở đời trước mới có thể cảm ứng được phúc báo lớn như vậy. Sự trang nghiêm mỹ lệ của Thế giới Cực Lạc là do nguyện lực của Phật A Di Đà và thiện nghiệp của chúng sinh cùng cảm ứng mà hiện thành.

Theo “Kinh Kim Cương” nói “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (bất kỳ thứ gì có hình có thể, đều là ảo tưởng, đều là không thật), có nghĩa là, “phân biệt” tức hữu tướng, “nhìn thấu” tức vô tướng, “cố chấp” tức hữu tướng, “trút bỏ” tức vô tướng. Tất cả những gì có hình thái cụ thể đều không thực, bởi nó chỉ như giấc mộng mây khói, nó tồn tại không lâu, biến hóa bất định. Vì chúng sinh có sự “phân biệt, cố chấp”, nên nhìn không thấu chân tướng, mà cứ sống trong ảo tưởng của giới hạn không gian và thời gian. “Thời gian” là sự sinh tử của thân thể con người, thân thể con người có tuổi thọ dài ngắn khác nhau; “Không gian” là môi trường mà con người sinh sống, bao gồm những người mà chúng ta gặp, sự việc mà chúng ta làm, ân ân oán oán chồng chất vô lượng. Nhưng chân tướng thực sự thì không hề có cái gọi là thời gian và không gian, nó vĩnh hằng không thay đổi, và là một thể với vũ trụ. Cho nên cần nhìn thấu được sự đau khổ của thế giới Ta Bà, gồm “sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, tăng hận hội, cầu không được, ngũ âm thịnh”; Nếu trút bỏ, chúng ta sẽ không có nhiều phiền não, mà trí tuệ được tăng trưởng. “Nhìn thấu, trút bỏ” có thể giúp chúng ta hiểu rõ được chân tướng sự thật.

Theo lời giảng của Pháp sư Đại An (năm 1959 - , người Nam Xương Giang Tây) nói rằng, nếu nói Thế giới Cực Lạc là một Thế giới vật chất, thì nó lại là do tâm Phật A Di Đà hiện thành, tâm Phật bản chất là không, nhưng có hiện tượng; Nếu nói Thế giới Cực Lạc là một Thế giới tâm linh, thì nó lại rất thực, không phải là ảo ảnh trên sa mạc, bởi mùi hương, bảo bối, màu sắc, cung điện, hồ nước, lan can, la võng, hàng cây, nhạc khí, đều có sự diệu hữu, sự diệu hữu này chính là hình tướng do tâm thanh tịnh hiện thành, đó chính là Pháp thân. Nói cách khác, tâm tức là tướng, tướng tức là tâm, cái tâm này là “chân tâm, tự tính, giác ngộ” của chính chúng ta, chứ không phải là khối thịt giả tâm, cũng chẳng phải là vọng tưởng tâm. Đây là một Thế giới “tâm tướng bất nhị” (tâm và tướng là một), một Thế giới kỳ diệu không thể nói hết thành lời.

Chúng sinh ở Thế giới Cực Lạc không hề ham mê những bảo vật kia, những bảo vật ấy đối với họ chẳng có gì là hiếm có và kỳ lạ, nó cũng giống như chúng ta cảm nhận không khí thật là tự nhiên vậy. Hơn nữa, lòng tham là sự khởi đầu của phiền não, nếu như vẫn còn phiền não thì làm sao có thể có được môi trường trang nghiêm nhường ấy. Nếu chúng ta cứ cố chấp ở cái “tướng” (hình tượng), thì sẽ không bao giờ cảm nhận được mặt thật của “chân tâm” (tự tính), “chân tâm” chính ra là đẹp và trang nghiêm như thế. Nếu chúng ta hiểu được cái đẹp tự nhiên của “chân tâm”, thì có thể biết rằng, “Cực Lạc” chẳng qua là cách nói đối với người phàm phu, bởi Phật hy vọng có thể thu hút chúng sinh dù có những thói quen xấu khó bỏ đi chăng nữa cũng có thể phát bồ đề tâm vãng sinh Thế giới Cực Lạc để tu hành. Đối với người giác ngộ hơn, “Thế giới Cực Lạc” có lẽ nói là “An Lạc tịnh độ” thì đúng hơn. Đã là tịnh độ, thì đến một hạt cát cũng chẳng có, đâu cần phải tắm gội, quần áo chỉ cần một bộ là đủ dùng; Tịnh độ không có mưa, đâu cần phải có nhà ở để tạm trú; Tịnh độ thỏa mãn đầy đủ những gì mà tâm ta cần, thế nên chẳng cần ăn cơm cũng đủ no. Nhưng người phàm phu bình thường như chúng ta thì khó có thể hiểu được hết sự kỳ diệu của cảnh giới này, cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm được một việc thật khó, đó là thuyết giảng bài Kinh có thể nói là rất khó hiểu này cho chúng sinh hay, tin hay không là do chúng ta. Chính vì thế, có nhiều người bán tín bán nghi, cho rằng phải chăng đó là sự thật, làm thế nào để tin được những điều ấy? Chúng ta phải có lòng tin, thứ nhất là tin vào chính bản thân mình, tin rằng bản thân chúng ta đều có Phật tính, đều có thể trở thành Phật; Thứ hai là tin vào Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà, bởi Phật không bao giờ nói dối, vì vậy những điều mà Phật nói đều là sự thật; Thứ ba là tin vào luật nhân quả luân hồi, bởi cái này xảy ra hoàn toàn theo tự nhiên, chẳng có ai phát minh ra nó cả, mà đó là chân lý được Phật phát hiện ra. “Phát minh” không phải là chân lý, nó cũng chẳng tồn tại vĩnh hằng, còn chân lý thì nó đã tồn tại từ trước, không bao giờ thay đổi, mà chỉ được phát hiện ra mà thôi.

Theo “Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh” nói rằng “nhất giả trí thành tâm, nhị giả thâm tâm, tam giả hồi hướng phát nguyện tâm; Cự tam tâm giả, tất sinh bỉ quốc”, vãng sinh Thế giới Cực Lạc, thứ nhất phải có lòng chân thành, thứ hai là lòng thanh tịnh (lợi mình), thứ ba là lòng từ bi phát nguyện (lợi người). Nói cách khác, nhất tâm tức là tam tâm, tam tâm tức là nhất tâm, ở đây chính là bồ đề tâm. Cho dù chúng ta có yêu thương chúng sinh đến nhường nào, chúng sinh vẫn ở sáu đạo luân hồi chịu sự khổ đau, vì thế cần khuyên nhủ họ nguyện vãng sinh Thế giới Cực Lạc, như thế có thể thoát khỏi sáu đạo luân hồi, thậm chí là thoát khỏi thập Pháp giới, thì mới là lòng từ bi chân chính. Theo “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” nói rằng “bất khả dĩ thiếu thiện căn phúc đức nhân duyên, đắc sinh bỉ quốc” (không được ít thiện căn, phúc đức, nhân duyên, thì sẽ được vãng sinh nước này), là ba điều kiện không thể thiếu. Đại sư Ngẫu Ích giải thích rằng “chỉ cần tin Di Đà, nguyện sinh Cực Lạc, chấp trì danh hiệu, mỗi một tiếng danh hiệu, mỗi một tiếng danh hiệu, đều đã có đủ nhiều thiện căn và phúc đức”. Có thể thấy, “thiện căn, phúc đức” là thành tựu do Phật A Di Đà tu tập tích lũy, và dung nạp vào trong sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, cho nên “thiện căn, phúc đức” là “tha lực”; Còn “nhân duyên” là do chúng ta nhớ Phật niệm Phật, nhất tâm niệm danh hiệu Phật, cho nên “nhân duyên” là “tự lực”. Vì vậy chúng ta có thể hiểu được rằng, nếu chỉ dựa vào việc làm thiện của bản thân, thì có thể được hưởng phước báo, nhưng chưa thể thoát khỏi sáu đạo luân hồi. Làm việc thiện cũng phải tùy duyên, không nên leo cao, rất có thể sinh ra phiền não được mất, tâm sẽ không được thanh tịnh, quả báo mà ta được hưởng cũng chỉ ở đạo Trời mà thôi, vẫn thuộc sáu đạo luân hồi, khi hưởng hết phước báo, lại trở xuống chịu quả báo luân hồi. Chính vì thế, thập phương chúng sinh nhất định phải dựa vào công đức của Phật A Di Đà, chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mới là con đường duy nhất để giải thoát luân hồi. Chúng ta phải nhớ rằng, làm mọi việc thiện là trách nhiệm của chúng ta, không nên ghi nhớ trong tâm, cho dù là sự suy nghĩ về trồng nhân thiện gặt quả thiện đều không nên có, thì tâm sẽ thanh tịnh. Bởi thế người học Phật cần học “nhìn thấu, trút bỏ”, và niệm danh hiệu Phật A Di Đà mọi lúc mọi nơi.

III. Phật Pháp và Thế gian Pháp

Đạo khác đời

Quan niệm tu tập giữa Phật Pháp và Thế gian Pháp khác nhau. Lão Pháp sư Tịnh Không trong bài giảng “A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa” tập 86 nói rằng, học vấn của Thế gian giống như kim tự tháp, học nhiều trước rồi học chuyên sau, còn Phật Pháp thì lại giống như kim tự tháp lật ngược, phương pháp học tập hoàn toàn ngược lại, là học chuyên trước rồi mới học nhiều sau. [12] Lý do là bởi, người mới học Phật Pháp nếu học nhiều Pháp môn sẽ sinh ra lòng phân biệt, không nắm chắc được trọng tâm, tâm sẽ không được thanh tịnh, vì thế học Phật nên nhất môn thâm nhập (chỉ hiểu sâu một Pháp môn duy nhất), sau khi hiểu được cốt lõi rồi mới nghiên cứu thêm các Pháp môn khác.

Mục đích dạy học của Phật Pháp và Thế gian khác nhau.

Lão Pháp sư Tịnh Không chỉ ra rằng, giáo dục Phật Giáo gồm có 3 mục đích: Thứ nhất là trừ ác tu thiện, tâm ta thanh tịnh thì mới có thể giác ngộ; Thứ hai là trừ mê khai ngộ, thoát ra khỏi sáu đạo luân hồi và thập Pháp giới; Thứ ba là chuyển phàm thành thánh, chỉ có giác ngộ chân chính, thoát khỏi vòng luân hồi và thập Pháp giới, tìm về “tự tính” mới là cứu cánh. [13] Còn giáo dục của Thế gian mục đích chủ yếu là học rộng biết nhiều, giáo dục con người nâng cao kỹ năng, tri thức hiểu biết. Có thể nói, Phật Pháp siêu việt hơn Thế gian Pháp rất nhiều.

Kinh Điển Phật Pháp rất nhiều, vậy ta nên chọn đọc bộ Kinh Điển nào tốt hơn? Thực ra sự chọn lựa không có thứ tự trước sau, chúng ta có thể chọn bất kỳ một bài Kinh nào để đọc, quan trọng là “nhất môn thâm nhập, trường thì huân tu” (hiểu rõ một Pháp môn, tu luyện theo Pháp môn này trường kỳ). Phật Bồ Tát dựa vào thói quen và căn cơ của mỗi chúng sinh mà lập thuyết phương tiện, nghĩa là tùy theo sự hiểu biết của mỗi chúng sinh để giảng dạy những điều mà chúng sinh đó có thể hiểu được. Pháp môn tuy rất nhiều, nhưng chỉ có một mục đích duy nhất là giúp chúng sinh tìm về “tự tính”, bởi thế tất cả các Pháp môn đều bình đẳng, không có phân biệt cao thấp. Đối với tôi mà nói, chọn “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” là bởi thời gian dành cho mỗi sáng tụng niệm phù hợp với hoàn cảnh cho phép. Theo “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, có đủ “tin, nguyện, hành” 3 điều kiện để vãng sinh Cực Lạc, lập tức có thể thoát khỏi luân hồi, bước lên con đường thành Phật, có thể nói, không có bất kỳ một Pháp môn nào có thể tiện lợi hơn Pháp môn này. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần hiểu và tin vào luật nhân quả luân hồi, xem xét nhìn nhận lại cử chỉ, ngôn hành, tâm địa của bản thân đã hướng thiện hay chưa?
Đạo
佛法不離世間法  
Tình yêu của nhân gian chia làm 2 loại, một là tình yêu lợi kỷ (tự lợi), một là tình yêu lợi người. Tình yêu lợi kỷ là tình yêu thiếu lý trí, còn tình yêu lợi người là tình nhân ái, bác ái. Trong Phật Pháp, tình yêu được coi là lòng từ bi, làm lợi cho người khác, không có tự lợi. Chúng ta sống trong thế giới này, không thể rời xa xã hội và quần chúng, vì thế cần học cổ nhân răn dạy, và làm theo “Đệ tử quy”, “Cảm ứng thiên”, “Thập thiện nghiệp”, đây đều là những bài học giáo dục của nhân gian, sự giáo dục này cũng giống như tu tập “đức hạnh” trong giáo dục của Phật Giáo vậy. [14] Phật Pháp cũng như Thế gian Pháp đều hy vọng con người cải tà quy chánh, tìm về “bản tính” của chính mình. Trong cuộc sống nhân sinh, “hiếu thảo” được coi trọng hàng đầu, rồi đối nhân xử thế, rồi ăn, mặc, ở, hành, mọi phương diện đều cần phải chú ý, nghĩ cho người khác nhiều hơn. Cho nên giáo dục Phật Pháp và Thế gian Pháp đều là giáo dục học làm người, cổ nhân có câu “học tốt, không bằng làm việc tốt; Làm việc tốt, không bằng làm người tốt”.

Tịnh độ trong Phật Pháp cũng như trường học của Thế gian.

Trong Thế gian này, từ lúc sinh ra, gia đình là trường học đầu tiên của chúng ta, ba mẹ là người thầy đầu tiên của chúng ta, bài học chủ yếu là luân lý, đạo đức con người. Rồi chúng ta vào tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, thậm trí đại học và cao học, bài học chủ yếu là học kỹ năng, nhận thức, tri thức. Bước vào xã hội, chúng ta phải học cách đối nhân xử thế. Về già, chúng ta phải học sống hòa thuận với con cháu, đúng là “học, học nữa, học mãi”. Đời người chính là đang tu hành, cũng như bài học trả xong thì được tốt nghiệp, nếu chưa trả xong thì phải học lại lần nữa. Theo cách nhìn của lão Pháp sư Tịnh Không, nguyên tắc này cũng giống như “nghiệp” trong Phật Pháp, nếu “nghiệp” chưa được viên mãn, thì chúng ta lại luân hồi lần nữa, nếu “nghiệp” viên mãn rồi, thì chúng ta thăng cấp, thoát ra khỏi sáu đạo luân hồi. [15] Tây phương tịnh độ cũng là trường học để chúng ta tu hành, Phật A Di Đà là người thầy của chúng ta, Ngài cung cấp một môi trường học vô cùng hoàn hảo, chỉ mong chúng ta nỗ lực phấn đấu. Cổ nhân có câu “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, cả đời làm cha), nên chúng ta có thể hiểu rằng, Phật A Di Đà là một vị cha từ bi của chúng sinh.

Thế giới Cực Lạc là một trường học đào tạo và bồi dưỡng chúng ta làm Bồ Tát và thành Phật. Sau khi học xong, chúng ta sẽ quay trở lại thập phương Thế giới để giáo hóa chúng sinh. Vì thế chúng ta cần hiểu và học đạo lý làm người và phát bồ đề tâm. Lão Pháp sư Tịnh Không dạy rằng, chúng ta sống trong đời này cần áp dụng phương pháp “nhìn thấu, trút bỏ” trong Phật Pháp để xử lý vấn đề “điều khiển, chiếm hữu, đối lập” của Thế gian.

Phật Pháp và vũ trụ

Trong “A Di Đà Kinh” Phật Đà có nói, Tây phương Cực Lạc cách nơi chúng ta ở xa 10 vạn tỷ Phật quốc, khoảng cách này quả thật là xa xôi nhường nào. Học giả nghiên cứu Phật Pháp cho rằng, đơn vị của một Thế giới Ta Bà mà Phật Đà đưa ra là một hệ mặt trời, nhưng cũng có học giả cho rằng, đơn vị của một Thế giới Ta Bà là một hệ ngân hà mới đúng. Các nhà khoa học phát hiện rằng, một hệ mặt trời gồm mặt trời, mặt trăng, thủy tinh, kim tinh, hỏa tinh, thổ tinh, mục tinh, thiên vương tinh, hải vương tinh, địa cầu. Ở thế kỷ 20, các nhà khoa học có thể bay ra ngoài vũ trụ tìm hiểu không gian hệ mặt trời, cho tới nay, biên giới của hệ mặt trời cách trái đất là 140 tỷ nghìn mét. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phát hiện hệ ngân hà với hình đĩa bẹt có đường kính 10 vạn năm ánh sáng, viền ngoài mỏng, ở giữa dày (đĩa tròn), được hình thành bởi các tinh cầu kim loại nặng có hàm lượng cao và độ tuổi chưa tới 100 tỷ năm. Đĩa tròn là chủ thể của hệ ngân hà, có đường kính 8 vạn năm ánh sáng, viền ngoài dày khoảng 3,000 – 6,000 năm ánh sáng. Hệ mặt trời nằm trên một cánh quay của hệ ngân hà, và cách trung tâm hệ ngân hà khoảng 26,000 năm ánh sáng. Chúng ta có thể thấy rằng, Thế giới Ta Bà rộng lớn như thế nào, trái đất của chúng ta chỉ nhỏ như một hạt cát mà thôi.
Thế giới Cực Lạc cách Thế giới Ta Bà 10 vạn tỷ Phật quốc. Trong“Kinh Kim Cương” có nói “tam thiên đại thiên Thế giới”, theo lý giải Phật Pháp, 1 tiểu thiên Thế giới là 1,000 hệ ngân hà; 1 trung thiên Thế giới là 1,000 tiểu thiên Thế giới; 1 đại thiên Thế giới là 1,000 trung thiên Thế giới. Bởi tiểu thiên, trung thiên, đại thiên, 3 chữ thiên này gộp lại nói thành tam thiên, tức một đại thiên, một đại thiên là phạm vi giáo hóa của một vị Phật. Phạm vi giáo hóa của một vị Phật gồm 10 tỷ hệ ngân hà, vậy ta có thể biết được rằng 10 vạn tỷ Phật quốc (10 tỷ hệ ngân hà × 10 vạn tỷ Phật quốc = khoảng cách từ Thế giới Cực Lạc tới Thế giới Ta Bà) mênh mông tới nhường nào. “Kinh Hoa Nghiêm” có nói, Thế giới Hoa Tạng có 20 tầng, trong đó Thế giới Cực Lạc và Thế giới Ta Bà đều thuộc tầng thứ 13, trên là 7 tầng, dưới là 12 tầng. Có thể thấy rằng, Thế giới Hoa Tạng quảng đại vô cùng, còn nhiều Thế giới khác giống như Thế giới Hoa Tạng thì nhiều vô lượng vô biên, cho tới nay các nhà khoa học chưa thể tìm hiểu và biết tới điều này. Chúng ta có thể sẽ đặt ra câu hỏi, Thế giới Cực Lạc xa xôi vậy, làm sao chúng ta có thể tới đó?

Vô lượng vô biên Thế giới ấy đem so sánh với “tự tính” của chúng ta thì lại nhỏ bé vô cùng, hư không dù to lớn nhường nào thì không thể rời khỏi “tự tính” được. Bởi vậy nhìn từ góc độ vũ trụ mà nói, khoảng cách từ Thế giới Cực Lạc tới Thế giới Ta Bà là không xa. Hơn nữa, bởi chúng ta có sự “phân biệt, cố chấp” mới có sự phân chia xa gần. Nếu hiểu được vũ trụ và ta là một thể, thì chỉ cần bật ngón tay một cái là có thể tới được Thế giới Cực Lạc rồi. Trong “Kinh Lăng Nghiêm – quyển 5” có nói “thập phương Như Lai liên niệm chúng sinh, như mẫu ức tử, nhược tử đào thệ, tuy nhớ hà vi? Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời, mẫu tử lịch sinh, bất tương vi viễn”, có nghĩa là nếu chúng sinh nhớ Phật niệm Phật, hiện taị hoặc tương lai nhất định sẽ gặp Phật, không phải Phật không nhớ chúng sinh, mà mấu chốt là chúng sinh có nhớ Phật hay không. Phật A Di Đà tới đón chúng sinh đi, không phải ở sự thần thông, mà là sự cảm ứng của lòng từ bi. Ví như con mắt của chúng ta nhìn thấy núi cao, thì cũng có nghĩa là núi cao đã bị đưa vào trong con ngươi của mắt, vậy thì tâm ta nhớ Phật A Di Đà, tức Phật A Di Đà đang ở trong tâm ta vậy.

IV. Tinh tấn học Phật

Con người đến Thế giới này với mục tiêu là gì?

Lúc ở nhà, ba mẹ thường răn chúng ta phải chăm chỉ học tập, để sau này có tương lai sáng lạng. Trong nhà trường, thầy cô dạy chúng ta phải nỗ lực học hành, làm tốt bổn phận của mình, để mai sau trở thành công dân có ích cho xã hội. Cho nên từ nhỏ ba mẹ, thầy cô đã đặt nhiều niềm hy vọng vào chúng ta, kỳ vọng con cái của ba mẹ, học sinh của thầy cô sẽ có những thành tích đẹp trong tương lai. Cũng bởi vậy từ nhỏ chúng ta đã có thói quen cạnh tranh với người khác, nếu không cạnh tranh, rất có thể ta sẽ bị lùi lại phía sau, thậm trí là sẽ bị đào thải ra ngoài. Thế nên chúng ta làm bất kỳ việc gì đều so sánh với người khác, thậm trí có người còn dùng bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được mục đích mình cần. Sau khi đạt được mục đích này, lại có nhiều những mục tiêu khác, ví như chú chuột trắng chạy trong vòng quay, chạy mãi chạy mãi không ngừng. Nếu không đạt được mục đích tâm người sẽ nổi lòng sân hận, đạt được mục đích rồi thì lại tiếp tục mê muội và tham lam hơn. Con người với nhau sẽ ngày càng sinh ra sự khống chế, chiếm hữu và đối lập. Thử hỏi rốt cuộc thì chúng ta được những gì, có thể đem được gì khi ta đi?

Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ, ông Brian L. Weiss nghiên cứu về thuật thôi miên chữa bệnh tâm lý cho người bệnh của mình được 10 năm, và đã từng có nhiều thí nghiệm thực tế. Ví dụ trong lần làm thôi miên cho một cô gái người Mỹ trở về kiếp trước của mình, thời kỳ khi con người vẫn còn đang sinh sống trong các hang động, rồi dần dần các kiếp tiếp theo cô ta đều nhìn thấy được mình là ai và đã làm gì, và có thể nói một cách rõ ràng. 【16】 Trong cuốn sách của mình, có tên “Một linh hồn với nhiều lần chuyển sinh”, tiến sĩ Brian L. Weiss đã nói rằng: “Tôi thấy rằng, khi càng có nhiều người đi tìm và hướng về một Thế giới thuần phác và hòa bình, Thế giới ấy sẽ đến. Để làm được điều này, mỗi người chúng ta cần phải nhớ: Mục đích chúng ta đến Thế giới này là đi tìm sự sống vĩnh hằng. Ồ, nhưng mà có quá nhiều người hoặc là chẳng biết tới điều này, hoặc là họ bận bịu với đời sống xã hội thường nhật mà đã quên đi vì sao ta lại sống ở trên Thế gian này rồi.” 【17】 Điều này nói lên rằng, con người không hề có sinh ra và cũng chẳng có chết đi, chỉ có vỏ bọc bên ngoài là thân thể con người già nua rồi sẽ tiêu tan, nhưng linh hồn thì tồn tại vĩnh hằng. Song, bởi chúng ta không nhìn rõ được điều này, mà bị trói buộc trong một giới hạn của không gian và thời gian. Tiến sĩ Brian L. Weiss cho rằng, những lầm lỗi mà chúng ta đã gây ra ở kiếp trước là sự phiền nhiễu và cũng là bài học cho chúng ta ở đời này. Vì thế con người đến Thế giới này với mục đích là học tập làm việc thiện.

Theo lý luận trong Phật Giáo, con người đến Thế giới này là bởi nghiệp lực dẫn dắt mà tới. Nghiệp của chúng sinh chia làm 2 loại, 1 là “dẫn lực”, dẫn dắt ta tới nơi nào đầu thai; 2 là “mãn lực”, là thân tướng mà ta đầu thai ở nơi đó. Ví dụ, chúng ta đều là người, bởi “dẫn lực” giống nhau, nhưng nghèo khổ hoặc giàu có, là do “mãn lực” khác nhau. Bởi “nghiệp” tu chưa hết, nên chúng ta cứ mãi quay lại Thế giới này để tu hành. Theo Pháp sư Huệ Luật (năm 1953, người huyện Vân Lâm Đài Loan) trong bài thuyết giảng “Sinh ra từ đâu, tử đi về đâu” nói “chúng ta vì sao lại sinh ra”, theo cách nói của Tiểu Thừa, thì là từ “vô sử vô minh” chúng ta đã được sinh ra, chẳng biết là khi nào bắt đầu được sinh ra nữa; Theo cách nói của Đại Thừa, thì là “bất sinh bất diệt”, con người chúng ta thực chất chẳng có cái gọi là sinh tử. “12 nhân duyên” là tư tưởng của Tiểu Thừa, chúng ta sinh ra bắt đầu bởi nhân duyên đầu tiên là “vô minh”, nghĩa là ý thức không có trí tuệ . Chúng ta đời đời kiếp kiếp tạo nghiệp, đời này có được thân làm người chẳng qua cũng chỉ là 1 phần trong vô lượng nghiệp tích lũy mà thôi. Duy thức học có nói, trong tám ý thức điền (chỉ rằng con người có 8 ý thức) có nghìn vạn tỷ hạt giống, đời này ta được thân người chỉ là 1 trong những hạt giống ấy mà thôi, cho nên thân này cũng chỉ là tạm thời. Những ý nghĩ cực nhỏ của chúng ta trong quá khứ sẽ được ghi nhớ vào trong 8 ý thức (linh hồn), và trở thành tiềm ý thức (thói quen) của chúng ta. Những hạt giống ác tính này (tham, sân, si, mạn) ở trong tâm niệm của chúng ta, khi gặp được nhân duyên sẽ nảy sinh ra một chất lượng và cứ thế luân hồi. Bởi vậy “vô sử vô minh” thêm “duyên” sẽ sinh ra phiền não vô tận. Thế nên chúng ta được sinh ra là bởi sự tạo thành của nhân duyên trong những đời trước.

Chúng ta có thể sẽ đặt ra câu hỏi, vậy thì bản thân chúng ta là gì? Theo giải thích phổ biến cho rằng, thân thể này không phải là bản thân ta, linh hồn mới là bản thân ta. Theo lý luận Phật Giáo cho rằng, linh hồn không phải là bản thân ta, bởi linh hồn chưa giác ngộ, mà vẫn có vọng tâm, vẫn đang mê lầm. Bởi mê lầm, nên nó là chỉ là du hồn, khi gặp được ba mẹ mà có duyên, sẽ đầu thai vào thân thể mới và được sinh ra để nhận nghiệp báo. Linh tính mới là bản thân ta, tức “chân tâm, tự tính, giác ngộ”, khi đã thoát khỏi sáu đạo luân hồi và thập Pháp giới rồi, mới là bản thân ta. Nếu chúng ta không hiểu rõ nhân quả luân hồi, thì sẽ cứ mãi quẩn quanh trong vòng luân hồi đó chịu sự khổ đau. Cho nên vãng sinh Thế giới Cực Lạc tu hành, thoát khỏi sáu đạo luân hồi, là Pháp môn nhanh chóng duy nhất thoát khỏi trầm luân về với an lạc. Khi chết đi, con người không thể đem theo ngũ dục lục trần “tài, sắc, danh, thực, thụy”, chỉ có “đức tính” là có thể đem theo mà thôi. Chính vì thế, tu tập “đức tính” sẽ không rơi vào 3 ác đạo, và có thể được sinh lên cõi trời hưởng phước. Song, chúng ta phải hiểu rằng, cõi trời vẫn thuộc sáu đạo luân hồi, vì thế ác đạo không được đi, vì đau khổ vô cùng và khó có thể thoát ra nổi; Thiện đạo cũng không nên đi, vì chúng sinh ở cõi trời chỉ biết hưởng lạc mà thường quên đi tu tập; Chỉ có cõi người là thích hơp tu hành mà thôi. Hiểu được điều này, chúng ta không phải vì hưởng phước hay hưởng lạc, mà phải tu tập để giác ngộ, và vãng sinh tịnh độ là con đường tắt để chúng ta giải thoát một cách nhanh nhất. Vì thế mục đích của con người đến Thế giới này là tìm về “tự tính”.

Thuận cảnh và nghịch cảnh trong trong cuộc sống

Đối với tôi, thời thơ ấu cũng thường so sánh với bè bạn, nhà bạn có, nhà mình không có. Lớn lên, tôi cũng cạnh tranh học tập với các bạn học, nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi và phiền não. Khi gặp phải những điều không như ý muốn, thì thường buồn bã, quở trách người khác, mọi việc đều nghĩ cho bản thân mình trước. Sau khi tới Đài Loan học tập chưa lâu, tôi nhận thấy, người Việt Nam ta sinh sống tại Đài Loan đa số có những hành vi chưa được đúng đắn, nên đã để lại những ấn tượng không đẹp trong con mắt người Đài Loan. Bởi bản thân tôi cũng là người Việt Nam, nên cũng thường bị nhiều ánh mắt kỳ lạ từ phía họ nhìn vào. Song cũng không phải tất cả họ đều vậy, cũng rất nhiều người quan tâm và thông cảm với những người xa quê hương như chúng tôi. Lúc đầu tôi cảm thấy cũng hơi đau lòng, nhưng hiểu được Phật Pháp mà tôi thấy nhẹ nhàng đi rất nhiều. Bởi tôi hiểu vì “y báo” dẫn tôi sinh ra tại Việt Nam, và đời người được ví như bộ phim vậy, hiện tôi đang đóng vai người Việt Nam tới Đài Loan học tập, cho nên dùng “bình thường tâm”nhìn nhận mọi việc, “không buồn vì mất, không vui vì được”. Tôi cũng quen một số bạn bè người Đài Loan, họ thường hiểu lầm về đạo Phật, cho rằng đạo Phật là mê tín, hoặc có một số người cập nhật thông tin về các nhà tu hành Đài Loan có những hành vi sai lệch (như nhà sư uống rượu, lừa tình lừa tiền .v.v.) từ các thông tin truyền thông, mà nhìn nhận Phật Giáo là không hay. Tôi biết, các nhà tu hành chân chính ở Đài Loan thì không bao giờ như vậy, chỉ có một số người không hiểu hoặc lợi dụng Phật Giáo để làm lợi cá nhân mới vậy thôi. Nhưng thật khó giải thích với những người bạn ấy để họ hiểu rõ về Phật Giáo, bởi họ đã có thành kiến sâu sắc, song theo lời dạy của Phật Đà, cần phải “nhẫn nhục”, không nên gây mâu thuẫn với mọi người, phải chờ đợi thời cơ chín muồi sẽ nói cho họ rõ, bởi căn cơ của mỗi người đều không giống nhau, cần dùng các cách nói khác nhau mà khuyên nhủ họ. Theo lời khuyên của lão Pháp sư Tịnh Không, trong cuộc sống, chúng ta cần phải trừ bỏ những thói quen không tốt trước đây. 【18】 Quan trọng đầu tiên là hiếu thuận, nghe lời và chăm sóc ba mẹ là hiếu thuận, song trong Phật Pháp cũng nói rằng, khuyên ba mẹ nghe Pháp, hiểu Pháp và tu tập mới là đại hiếu. Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta vẫn phải kiếm tiền để sinh sống, cuộc sống có thể rất đơn giản, và không cần quá nhiều tiền mà sinh ra phiền não, nhưng việc đối nhân xử thế thì phải trút bỏ “cái tôi” xuống, vì mọi người phục vụ. Cuộc sống không tránh khỏi phiền não đau buồn, hoặc gặp được vui vẻ may mắn, những thuận cảnh hay nghịch cảnh gặp phải đều là những kiểm nghiệm cho chúng ta. Cho dù là người tốt với ta hay người xấu với ta, lúc may mắn hay lúc không may, đều phải cảm ơn tất cả đã cho ta cơ hội học tập tinh tấn. Đệ tử chúng ta cần tinh tấn tu tập và làm theo lời Phật Đà dạy, niệm Phật mọi lúc mọi nơi.

“Niệm một tiếng, A Di Đà Phật, tâm tĩnh như thủy.
Niệm hai tiếng, A Di Đà Phật, không ưu không sầu.
Niệm ba tiếng, A Di Đà Phật, mở lòng khoan rộng.
Niệm bốn tiếng, A Di Đà Phật, bình dị gần gũi.
Niệm năm tiếng, A Di Đà Phật, không mơ mà thật.
Niệm sáu tiếng, A Di Đà Phật, lạc thiện bố thí.
Niệm bảy tiếng, A Di Đà Phật, uống nước nhớ nguồn.
Niệm tám tiếng, A Di Đà Phật, cảm ơn đồ báo.
Niệm chín tiếng, A Di Đà Phật, an phận thủ kỷ.
Niệm mười tiếng, A Di Đà Phật, có trí tất thành.
Niệm trăm tiếng, A Di Đà Phật, tận thiện tận mỹ.
Niệm nghìn tiếng, A Di Đà Phật, đắc đại hoan hỷ.
Niệm vạn tiếng, A Di Đà Phật, trang nghiêm tịnh độ.
A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!” 【19】

V. Kết luận

“Thân người nan đắc, Phật Pháp nan ngộ”, có được thân người thật khó, Phật Pháp khó gặp, gặp được mà không hiểu cũng bằng không. Đại sư Liên Trì trong “bài văn phát nguyện về Tây Phương” viết rằng “Thế giới vô tận, chúng sinh vô tận, nghiệp và phiền não, tất cả vô tận”, có thể thấy rằng, chúng sinh vô lượng vô biên, tạo ra vô số nghiệp, luân hồi không ngừng, chẳng biết trồng bao nhiêu thiện căn mới có được thân người như hôm nay. Theo “Phật Thuyết Bát Vô Hạ Hữu Hạ Kinh” nói, để được nghe Phật Pháp, chúng ta phải khắc phục 8 loại trướng ngại: 1. Không sinh vào địa ngục; 2. Không sinh vào đường quỷ đói; 3. Không sinh làm xúc sinh; 4. Không sinh lên cõi trời trường thọ; 5. Không sinh nơi không có Phật Pháp; 6. Tâm không có tà kiến; 7. Các căn phải kiến toàn, không phải là mù, điếc, câm; 8. Phải sinh vào thời Đức Phật xuất thế. “Lăng Nghiêm Kinh” nói rằng “mạt Pháp thời đại, tà sư thuyết Pháp, như hằng hà sa, A Nan đăng tri, thị thập chủng ma, vu Mạt Pháp thời, tại ngã Pháp trung, xuất gia tu đạo, hoặc phụ nhân thể, hoặc tự hiện hình, gia ngôn thành chính biến tri giác. Tán thán dâm dục, phá Phật luật nghi, tiên ác ma sư, dữ ma đệ tử, dâm dâm tương truyền, như thị tà tinh, muội kỳ tâm phủ, cận tắc cửu sinh, đa du bách thế, lệnh chân tu hành, tổng vi ma quyến, mệnh chung chi hậu, tất vi ma dân, thất chính biến tri, tùy vô gian ngục”, có thể thầy rằng Phật Thích Ca nói với các đệ tử rằng, trong thời kỳ Mạt Pháp sự biến tướng trong Phật Giáo nhiều vô cùng, tà kiến cũng rất nhiều, chúng sinh khó gặp được thiện tri thức (người thầy giỏi). Sự biến tướng trong Phật Giáo ở thời Mạt Pháp này, ví dụ như ở Nhật Bản có phái đề ra tỳ khưu nam và tỳ khưu nữ sống chung một nhà như vợ chồng, vừa chung sống vừa tu hành; Ví dụ như các vị sư không tu học Phật Pháp, mà hành nghề bắt ma bắt quỷ, những điều này đều không phù hợp với Chánh Pháp Phật Đà; Ví dụ, nhiều người xem phong thủy, thay đổi hoàn cảnh tự nhiên, mà không hiểu, trên thực tế mọi thứ là do tâm ta hình thành, “cảnh tùy tâm chuyển” (hoàn cảnh chuyển đổi theo tâm), khi tâm ta hướng thiện thì mọi thứ xung quanh đều sẽ hướng thiện. Bởi thế mới nói “thân người nan đắc, Phật Pháp nan ngộ”, phải nắm lấy cơ hội vãng sinh Cực Lạc ngay ở đời này, điều mà ta cần làm là nhất tâm niệm Phật, và niệm Phật mọi lúc mọi nơi.

Pháp vận của Phật Thích Ca Mâu Ni chia làm 3 thời kỳ “Chính Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp”, tồn tại 1 vạn 2 nghìn năm. Trong đó, “Chính Pháp” và “Tượng Pháp” mỗi một thời kỳ tồn tại 1 nghìn năm, “Mạt Pháp” tồn tại 1 vạn năm. Cho tới nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ Mạt Pháp, và thời kỳ này đã trải qua 1 nghìn năm, còn lại 9 nghìn năm, và 9 nghìn năm sau, Kinh Điển của Phật Thích Ca hoàn toàn không còn nữa. “Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sinh Đấu Soái Thiên Kinh” nói rằng, Bồ Tát Di Lặc hiện tại đang ở cõi trời Đấu Soái giảng Kinh thuyết Pháp, khi Ngài tuổi thọ trên cõi trời đó mãn 4 nghìn tuổi, thì mới đầu sinh Thế gian này giáo hóa chúng sinh. Theo lý luận Phật Pháp, tuổi thọ trên cõi trời Đấu Soái 1 ngày bằng 400 năm tuổi thọ Thế gian, như vậy tính ra, 4 nghìn tuổi trên cõi trời Đấu Soái tương đương với 5 tỷ 7 nghìn 6 trăm vạn năm. Vậy sau khi Kinh Điển của Phật Thích Ca không còn nữa, chúng sinh muốn nghe Phật Pháp thì phải chờ một quãng thời gian dài như thế, không biết chúng sinh đã lại qua bao nhiêu đời, và tạo bao nhiêu nghiệp rồi, vì thế cần nắm lấy cơ hội trong đời này cầu vãng sinh. Tất nhiên, cũng có không ít đệ tử Phật muốn được tới Di Lặc tịnh độ tu tập, Phật Pháp bình đẳng, không có cao thấp, nhưng chúng ta cần phải hiểu, riêng về việc tu tập, thì cầu vãng sinh Cực Lạc tịnh độ đối với phàm phu như chúng ta là tiện lợi hơn.

Trước đây tôi cứ nghĩ rằng, chẳng có thứ gì trên cõi đời này là vĩnh hằng cả, câu nói này có lẽ là đúng một nửa, đối với Thế giới Ta Bà mà nói, thực sự không có gì là vĩnh hằng, nhưng ngoài sáu đạo luận hồi ra, còn có một Thế giới đẹp gấp bội lần hơn thế, đó là Thế giới Cực Lạc. Mọi thứ trong Thế giới Cực Lạc là vĩnh hằng không đổi, và “tự tính” của chúng ta cũng là vĩnh hằng. Song, Phật Pháp thật cao siêu, đối với người phàm phu chúng ta thực sự là không dễ hiểu. Lão Pháp sư Tịnh Không nói rằng, điều tuyệt vời nhất của một đời người là tìm được phương hướng mục tiêu rõ ràng, và vãng sinh Cực Lạc tịnh độ là một việc lớn duy nhất trong đời mà ta cần làm, những việc khác đều nhỏ nhặt và tùy duyên mà làm. 【20】 Chính vì thế, chúng ta sống trong xã hội này cần có đủ dũng cảm để cho người khác cười giễu mình là nhu nhược, chỉ cần tâm ta đúng, thì không sợ bị ảnh hưởng từ dư luận bên ngoài. Trừ bỏ thói quen không tốt được tích lũy từ nhiều đời trước, bài học này thực sự không đơn giản chút nào, nhưng cần cố gắng hiểu và làm được “nhìn thấu, trút bỏ”, tâm ta sẽ trở nên thanh tịnh, tự tại, cái nhìn đối với cuộc sống cũng sẽ lạc quan, tích cực hơn.

Đệ tử chúng ta tán thán công đức từ bi nhiệm mầu không thể nói hết của Phật A Di Đà, và mượn nội dung bài hát “A Di Đà Phật, cảm ơn Người” để thể hiện sự cảm động và lòng cảm ơn của chúng ta tới Phật A Di Đà.

“A Di Đà Phật, cảm ơn Người! Cho chúng sinh tịnh độ, giúp chúng sinh được giải thoát.

A Di Đà Phật, cảm ơn Người! Cho chúng sinh hy vọng, giúp chúng sinh không bàng hoàng.

Cảm ơn Người! Con nguyện cống hiến một đời hoằng dương Phật Pháp, con đường này tiến thẳng không ngừng.

Cảm ơn Người! Con nguyện cống hiến cả đời phổ độ chúng sinh, đời đời kiếp kiếp tiếp bước đi.” 【21】

Nam Mô A Di Đà Phật!
Quảng Nghiêm
Quảng Nghiêm
Admin

Leo
Dragon
Tổng số bài gửi : 1011
Join date : 19/05/2011
Age : 47
Đến từ : TPHCM

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết